Cách ẩn giấu thông tin cá nhân nhạy cảm trên Facebook

  •   52
  • 1.188

Làm thế nào để Facebook không thể theo dõi bạn, không thể biết bạn ở đâu, gặp gỡ ai và làm những gì?

Facebook đang dính phải vụ bê bối chưa từng có trong lịch sử mạng xã hội này. Vụ khủng hoảng bắt nguồn bởi Cambridge Analytica. Công ty phân tích này đã sử dụng dữ liệu của 50 triệu người dùng Facebook nhằm định hướng hành vi của họ và can thiệp vào các quyết định chính trị.

Sự lộng hành của Facebook đã dẫn tới một làn sóng phản đối tại Mỹ và nhiều nước châu Âu. Cũng chính nhờ điều này, công chúng ngày càng quan tâm nhiều hơn đến việc bảo mật thông tin cá nhân trên Facebook.

Để an toàn hơn trên Facebook, hãy ẩn giấu bớt thông tin của bản thân mình.
Để an toàn hơn trên Facebook, hãy ẩn giấu bớt thông tin của bản thân mình.

Không một ai đứng ngoài cuộc khủng hoảng. Chỉ cần đang dùng Facebook, WhatApps hay Instagram, dữ liệu cá nhân của bạn đang nằm trong tay Mark Zuckerberg. Dưới đây là những việc bạn cần làm ngay để bảo vệ dữ liệu của mình.

Bước 1: Tắt định vị trên Facebook

Dữ liệu vị trí là một thông tin rất nhạy cảm. Với dữ liệu về địa điểm, vị trí, người nắm được thông tin này có thể biết những nơi bạn thường đặt chân đến, địa chỉ nhà và cơ quan nơi làm việc hàng ngày. Đây là nguồn dữ liệu vô giá với các nhà quảng cáo. Tuy nhiên nó lại tiềm ẩn mối nguy khủng khiếp đối với cá nhân người dùng.

Để bảo vệ sự riêng tư của bản thân, cách tốt nhất là hãy chặn đứng việc thu thập thông tin đó của Facebook.

Truy cập vào mục Cài đặt của điện thoại và loại bỏ thông tin định vị vị trí của Facebook.
Truy cập vào mục Cài đặt của điện thoại và loại bỏ thông tin định vị vị trí của Facebook.

Nếu đang sử dụng iPhone, bạn có thể vào phần Cài đặt, tìm đến phần Bảo mật và chọn vào Dịch vụ vị trí. Sau đó, hãy vô hiệu hóa tính năng này với Facebook và các ứng dụng thuộc bên thứ 3 mà bạn cảm thấy không an toàn.

Với Android, vào phần Cài Đặt >> Ứng dụng >> Facebook. Sau đó kéo xuống dưới Cài đặt ứng dụng, tìm tới phần Quyền và tắt tính năng định vị của mạng xã hội này.

Bước 2: Xóa ứng dụng của bên thứ 3 có vấn đề

Bản thân Facebook chính là một môi trường nền tảng cho hoạt động của các ứng dụng. Trong quá trình sử dụng Facebook, từ việc truy cập vào các trò chơi, đường link và vô số hình thức khác, người dùng đã vô tình cho phép các ứng dụng tiếp cận cơ sở dữ liệu trên Facebook của mình. Đây cũng là mối nguy hại lớn khi chẳng ai biết các nhà phát triển sẽ làm gì với những dữ liệu đó.

Truy cập vào phần Cài đặt của Facebook, bạn sẽ thấy mình đã cấp quyền cho rất nhiều ứng dụng do bên thứ 3 phát triển.
Truy cập vào phần Cài đặt của Facebook, bạn sẽ thấy mình đã cấp quyền cho rất nhiều ứng dụng do bên thứ 3 phát triển.

Để giải quyết điều này, người dùng hãy tìm tới mục Cài đặt của chính Facebook (có thể truy cập cả ở web và mobile). Sau đó, hãy chọn vào phần Ứng dụng. Tại đây sẽ xuất hiện danh sách một loạt các ứng dụng của bên thứ 3 mà bạn từng cho phép truy cập cơ sở dữ liệu Facebook của mình. Hãy đọc lại chúng một lượt và loại bỏ những cái tên xa lạ hoặc khiến bạn có cảm giác ngờ vực.

Bước 3: Giới hạn người xem

Facebook có một tính năng cho phép giới hạn người tiếp cận với bài đăng của bạn. Tùy chọn này xuất hiện ở ngay bên dưới phần viết bài đăng.

Nếu không muốn bất kỳ ai cũng có thể tiếp xúc với những thông tin riêng tư, hãy giới hạn số người có thể xem nội dung này. Đó có thể là bạn bè Facebook hoặc chỉ đơn giản là một nhóm bạn chọn lọc có giới hạn.

Kiểm soát số người tiếp cận với nội dung đăng tải càng kỹ, người dùng sẽ càng an toàn hơn trên mạng xã hội.

Hãy giới hạn số người tiếp cận bài đăng để bảo vệ sự riêng tư của bản thân.
Hãy giới hạn số người tiếp cận bài đăng để bảo vệ sự riêng tư của bản thân.

Ngoài việc giới hạn người xem, bạn cũng nên có những cài đặt sâu hơn. Đó là những tùy chọn liên quan đến việc ai có thể gắn thẻ (tag) vào ảnh hoặc đăng lên tường nhà bạn. Chắc chắn chẳng ai mong muốn những mẩu quảng cáo vô duyên liên tục bị người khác đăng tải lên trang Facebook cá nhân của mình.

Để kiểm soát điều này, hãy truy cập vào phần Cài đặt trên chính Facebook. Sau đó, chọn Dòng thời gian và gắn thẻ rồi chỉnh sửa các tùy chọn mặc định sang chế độ mà mình mong muốn.

Bước 4: Ẩn bớt thông tin cá nhân

Người dùng nên chia sẻ thông tin cá nhân một cách có chọn lọc để đảm bảo tính riêng tư.
Người dùng nên chia sẻ thông tin cá nhân một cách có chọn lọc để đảm bảo tính riêng tư.

Trong tab profile (giới thiệu) cá nhân trên Facebook, người dùng có thể cài đặt các tùy chọn hiển thị nơi sống, quá trình công tác, địa chỉ nhà riêng, số điện thoại hay email. Những dữ liệu này giúp bạn bè có thể dễ liên lạc hơn với bạn. Tuy nhiên, nó cũng là mầm mống cơ hội cho những kẻ có ý đồ xấu.

Bạn có thể ẩn bớt những thông tin riêng tư như số điện thoại, email và địa chỉ nhà riêng để tự bảo vệ chính mình.

Bước 5: Cài đặt hạn chế quảng cáo

Facebook hiểu bạn hơn chính bản thân bạn là sự thực.
Facebook hiểu bạn hơn chính bản thân bạn là sự thực.

Với kho dữ liệu khổng lồ đang nắm giữ, Facebook thực sự hiểu bạn còn hơn cả chính bạn. Facebook không thu tiền từ bạn, nhưng mạng xã hội này thu tiền từ những doanh nghiệp muốn mua dữ liệu của bạn để quảng cáo các sản phẩm của mình.

Có qua thì phải có lại. Tuy nhiên, không phải ai cũng hứng thú với việc gặp phải đầy rẫy thông tin quảng cáo trên Facebook. Để giải quyết sự phiền toái này, hãy tìm đến phần cài đặt Tùy chọn quảng cáo bằng cách click vào đây, sau đó tự mình lựa chọn việc có hay không cho phép Facebook đăng quảng cáo dựa trên sở thích và sự quan tâm của bạn.

Cập nhật: 22/03/2018 Theo vietnamnet
  • 52
  • 1.188