Một nghiên cứu mới cho thấy việc một đứa trẻ sơ sinh được cho ăn khi chúng đòi có liên quan đến các chỉ số IQ.
Các nhà khoa học tại Đại học Essex và Đại học Oxford cho biết họ đã nghiên cứu các số liệu của hơn 10.000 trẻ em sinh vào đầu năm 1990 ở khu vực Briston của Anh.
Theo kết quả nghiên cứu đăng trên Tạp chí sức khỏe cộng động châu Âu (European Journal of Public Health), chỉ số IQ của những đứa trẻ 8 tuổi được cho ăn khi chúng đòi lúc mới sinh cao hơn 4-5 điểm so với chỉ số của những đứa trẻ được ăn theo giờ giấc.
Sự chênh lệch này cũng thể hiện rõ trong các kết quả kiểm tra với những đứa trẻ ở các độ tuổi 5, 7, 11 và 14 khi các em đến trường.
Nhà nghiên cứu chính Maria Iacovou tại Đại học Essex khẳng định “sự khác biệt giữa ăn theo nhu cầu và ăn theo giờ giấc được tìm thấy ở cả những đứa trẻ bú bình và bú mẹ". Tuy nhiên, bà nhấn mạnh vào thời điểm này cần hết sức thận trọng với việc tuyên bố có một mối liên hệ nhân quả nào đó giữa các kiểu cho ăn và chỉ số thông minh.
Bà Maria Iacovou cho rằng: “Đây mới chỉ là nghiên cứu đầu tiên trong lĩnh vực này và cần có thêm những nghiên cứu khác trước khi chúng ta có thể khẳng định dứt khoát cách thức chúng ta cho trẻ sơ sinh ăn ảnh hướng ra sao đến chỉ số thông minh cũng như cơ chế nào đưa đến mối liên hệ đó”.