Không phải hãng mỹ phẩm nào cũng in ngày sản xuất và hạn sử dụng lên bao bì một cách rõ ràng đâu.
Làm sao để biết được hạn sử dụng của một sản phẩm? Điều này thì quá dễ, chỉ cần đọc trên bao bì là xong.
Nhưng câu chuyện tưởng như hết sức dễ dàng này lại không đúng lắm đối với các loại mỹ phẩm. Từ son, phấn, kem dưỡng da, nước hoa cho đến kem chống nắng... rất nhiều người gặp khó khăn khi muốn tìm ra hạn sử dụng của chúng.
Lý do là bởi đối với mỹ phẩm, không phải lúc nào hạn sử dụng cũng được in trên bao bì, hoặc có in thì mỗi hãng một kiểu, khiến người tiêu dùng không biết đường nào mà lần.
Dĩ nhiên, mỹ phẩm nào cũng phải có hạn sử dụng, chỉ là chúng ta chưa biết làm thế nào để tìm ra chúng thôi.
Khi kiểm tra hạn sử dụng của mỹ phẩm, bạn phải quan tâm đến 2 yếu tố. Đầu tiên là hạn sử dụng (Expiration Date), và loại hai là sau khi mở (PAO - Period After Opening).
Với Expiration date, bạn sẽ chỉ tìm thấy chúng với các loại mỹ phẩm có hạn sử dụng dưới 30 tháng, vì đó là quy định chung của đa số các quốc gia đối với ngành mỹ phẩm.
Hạn sử dụng in trên vỏ bao bì của mỹ phẩm.
Thông tin này sẽ được in trên vỏ sản phẩm, thường là trên thân vỏ, đáy vỏ, hoặc đáy các sản phẩm dạng tuýp, với đặc điểm nhận dạng là các chữ như: "Best by" hoặc "Exp". Hoặc đôi khi, đó chỉ là một dãy số được chia theo dạng ngày/tháng/năm thôi, nhưng thường thì phải đi kèm cả ngày sản xuất nữa.
Hạn sử dụng đôi khi chỉ là một dãy số được chia theo dạng ngày/tháng/năm thôi.
Đối với các sản phẩm có hạn sử dụng từ 3 năm trở lên sẽ không bắt bị bắt buộc phải ghi hạn sử dụng. Thay vào đó, các nhà sản xuất sẽ chỉ đề cập đến hạn sau khi mở (PAO - Period After Opening). Bạn sẽ biết thông tin này nếu thấy ký hiệu nắp hộp mở như trong hình trên.
Đến đây lại này sinh ra vấn đề. Lấy ví dụ một thỏi son có PAO là 2 năm, nhưng ở thời điểm mua thì đã qua 3 năm kể từ ngày nó được sản xuất - tức là đã hết hạn sử dụng rồi. Vậy làm sao để biết được điều đó?
Đừng nghĩ đây là một thắc mắc ngớ ngẩn. Nếu bạn mua ở store chính hãng, tình huống này hiếm khi xảy ra vì họ luôn thay thế hàng mới. Nhưng với thị trường hàng xách tay trôi nổi, các đầu buôn phải gom hàng với thời gian khá lâu, thậm chí là lấy hàng tồn kho để có giá nhập tốt thì đây lại là vấn đề hết sức đáng lưu tâm.
Đáp án cho câu hỏi này là phải kiểm tra ngày sản xuất - Manufature date. Hãng nào cũng sẽ ghi thông tin này trên bao bì, nhưng kiểm tra như thế nào cũng không đơn giản. Một số hãng "có tâm" sẽ ghi thông tin này một cách tương đối dễ hiểu. Còn đa phần, các hãng sẽ sử dụng một dãy ký tự gọi là "batch code".
Batch code được dùng để đánh dấu nơi sản xuất, số lô hàng, và thời gian ra đời của một sản phẩm. Cái khó là batch code không có một công thức chung, mà mỗi hãng lại có quy định đặt code riêng cho mình.
Lấy ví dụ như sản phẩm của brand mỹ phẩm Pháp L'Occitane, toàn thân sản phẩm chỉ tuyệt không có dòng nào đề cập đến "manufature date", mà chỉ có dòng code dưới đáy tuýp. Đó chính là batch code, và sự thật là chẳng ai có thể dịch được nó nếu chưa biết cả.
Nhìn hình này, bạn có đoán được đâu là hạn sử dụng không?
Câu chuyện tương tự xảy ra với Dior, Chanel... và vô số các hãng mỹ phẩm lớn nhỏ khác trên thế giới.
Batch code được dùng để đánh dấu nơi sản xuất, số lô hàng, và thời gian ra đời của một sản phẩm.
Đáp án dễ nhất là hãy dán dòng code đó vào các trang web kiểm tra mỹ phẩm. Các trang được ưa chuộng nhất là Check Fresh hoặc Cosmetics Wizard, nhưng cũng cần lưu ý rằng không phải tất cả các hãng đều được cập nhật, và thông số qua các chu kỳ có thể đã bị thay đổi.
Kết quả kiểm tra một batch code trên sản phẩm của L'Occitane.
Một cách khác là dựa vào kinh nghiệm. Như batch code trên son của M.A.C thường có dạng chữ (A, B, C...) - số - số. Ở đây, chữ được thể hiện cho lô hàng, số đầu tiên là tháng sản xuất, và số tiếp theo là năm. Sau 10 năm, dãy số sẽ được làm mới.
Batch code trên son của M.A.C thường có dạng chữ - số - số.
Batch code của Christian Dior cũng tương tự với 4 ký tự gồm số và chữ, nhưng là ngược lại. Đầu tiên là năm, ký hiệu bằng 1 chữ số, theo sau là ký tự thể hiện tháng lần lượt từ A đến M, trong đó A là tháng 1 và M là tháng 12, rồi tiếp tục N là tháng 1... cho đến hết bảng chữ cái.
Với sản phẩm của L'Occitane, thứ bạn cần quan tâm là 3 số cuối của batch code. Trong đó: 2 con số đầu tiên thể hiện tuần, còn số cuối là năm sản xuất sản phẩm. Các mã sẽ được lặp lại sau 10 năm.
Với sản phẩm của L'Occitane, thứ bạn cần quan tâm là 3 số cuối của batch code.