Liên tiếp trong những ngày qua, trên cả nước đã xảy ra nhiều vụ ngộ độc do uống phải rượu pha cồn công nghiệp methanol, không ít người đã tử vong. Cho dù không tử vong thì hậu quả do ngộ độc rượu pha cồn công nghiệp methanol vẫn rất nặng nề: Người bệnh có thể tổn thương não, dây thần kinh thị giác, hoại tử não giống những trường hợp đột quỵ nặng nề, thêm tình trạng tổn thương nội tạng. Methanol gây nguy hiểm cho cơ thể như thế nào và cách sơ cứu, cấp cứu ngộ độc rượu có methanol ra sao?... Bài viết của bác sĩ giúp bạn đọc hiểu thêm và chủ động ngăn chặn.
Methanol là hóa chất lỏng và là nguồn năng lượng bắt nguồn từ khí thiên nhiên, than, chất thải sinh học và CO2. Được sử dụng rộng rãi làm nguyên liệu hóa học và ứng dụng làm năng lượng sạch cho môi trường (nhiên liệu vận tải, nhiên liệu hàng hải, pin năng lượng mặt trời, phát điện, nấu ăn...); Methanol là dạng rượu cồn đơn giản nhất, là chất lỏng nhẹ, bay hơi, không màu, dễ cháy với mùi vị đặc trưng rất giống với ethanol (loại rượu uống được). Methanol là sản phẩm phụ của quá trình chưng cất rượu và là chất lỏng đầu tiên ngưng tụ khi rượu được nấu theo cách chưng cất truyền thống. Tuy nhiên, không giống rượu ethanol, methanol có độc tính cao và không thích hợp để uống. Methanol tinh khiết có mùi thoang thoảng ngọt ở nhiệt độ môi trường xung quanh; methanol thô có thể có mùi hăng, khó chịu. Methanol được dùng rộng rãi trong sơn, chất tẩy sơn và dung môi trong công nghiệp. Nó cũng được sử dụng trong sản xuất formaldehyde, acid acetic, các dẫn xuất methyl và axit vô cơ; như một chất chống đông, phụ gia chống đóng băng nhiên liệu và làm tăng chỉ số octan nhiên liệu; một chất biến tính ethanol; một dung môi chiết và làm nhiên liệu cho bếp dã ngoại và hàn hơi.
Các bác sĩ BV Bạch Mai đã có mặt kịp thời hỗ trợ thầy thuốc Lai Châu điều trị bệnh nhân vụ ngộ độc rượu tập thể (ảnh chụp chiều 16/2/2017). (Ảnh: Thế Anh).
Sau khi uống rượu nhập lậu hoặc không rõ nguồn gốc hoặc do vô tình uống phải methanol thấy có biểu hiện đau đầu nặng, hoa mắt, thở gấp hoặc thở sâu, buồn ngủ là dấu hiệu cảnh báo của việc ngộ độc. Các triệu chứng này có thể kéo dài từ 12-24 giờ sau khi phơi nhiễm.
Sau khi vào cơ thể, methanol được cơ thể chuyển thành axit formic, là chất độc hơn methanol rất nhiều. Axit formic gây độc tố cho thần kinh và võng mạc. Nó có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho hệ thần kinh trung ương cũng như võng mạc. Mức độ axit formic cao có thể gây suy đa tạng, toan chuyển hóa nghiêm trọng, thậm chí tử vong.
Các triệu chứng ngộ độc methanol:
Các triệu chứng nhiễm độc methanol thường xuất hiện trong vòng 30 phút sau uống nhưng có thể muộn hơn tuỳ thuộc vào số lượng mà bệnh nhân uống, bệnh nhân có uống cùng ethanol hay không (xuất hiện triệu chứng chậm hơn). Thường có hai giai đoạn, giai đoạn kín đáo (vài giờ đến 30 giờ đầu) và giai đoạn biểu hiện ngộ độc rõ tiếp theo sau. Vì triệu chứng lúc đầu thường kín đáo và nhẹ (ức chế nhẹ thần kinh, an thần, vô cảm) nên thường bị bệnh nhân chủ quan và bỏ qua.
Để sơ cứu cho người nghi bị ngộ độc methanol, trước hết, bạn phải tuân theo các cách thức sơ cấp cứu nói chung cho các bệnh nhân ngộ độc. Bạn chỉ thực hiện dưới sự chỉ định và giúp đỡ của nhân viên y tế hoặc sau khi đã gọi điện tới Trung tâm Chống độc hay đường dây nóng tư vấn về ngộ độc methanol để được các cán bộ chuyên trách hướng dẫn.
Cấp cứu bệnh nhân ngộ độc rượu tại Lai Châu.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã khuyến cáo về việc ngộ độc methanol rằng: "Nguyên tắc điều trị chính khi bị ngộ độc methanol là phòng ngừa hơn nữa sự chuyển hóa của chất methanol, chế ngự những điều bất thường của sự trao đổi chất và thực hiện chăm sóc hỗ trợ khác. Sự chuyển hóa có thể được ngăn chặn bằng việc cho uống ethanol hoặc fomepizole. Các biện pháp hỗ trợ có thể bao gồm việc chế ngự nhiễm axit bằng chất carbonat axit natri, đặt ống và hô hấp bằng máy và sử dụng biện pháp đào thải ra ngoài cơ thể như thẩm phân máu".
Cách điều trị dứt điểm duy nhất khi bị ngộ độc methanol là thẩm phân máu. Thẩm phân máu giúp duy trì cân bằng hóa học của cơ thể - kể cả các chất như ka-li, natri và clorua và giúp kiểm soát huyết áp của bệnh nhân. Do đó, nếu bị ngộ độc methanol, cần thu xếp chuyển ngay bệnh nhân tới một bệnh viện lớn có thiết bị thẩm tách máu. Đây là thời điểm cực kỳ quan trọng đối với trường hợp khẩn cấp đe dọa đến tính mạng người bệnh.
Xử trí bệnh nhân ngộ độc methanol cũng giống như xử trí bệnh nhân cấp cứu nói chung.
Ở người lớn, ngộ độc methanol với liều 8g (1ml dung dịch 100%) đã có thể gây mù, ngộ độc với liều 10g (30ml dung dịch 40%) có thể gây tử vong. Ở trẻ em, ngộ độc methanol với liều 0,25ml/kg đã gây mù mắt và 0,5ml/kg đã gây tử vong (dung dịch 100%). Trước khi gây độc, methanol được chuyển hóa thành formaldehyde và sau đó được oxy hóa thành axit formic (formate). Nồng độ axit formic trong máu cao ức chế cytochrome oxidase của ty lạp thể trong tế bào gây thiếu oxy tế bào, toan chuyển hóa nặng, tổn thương thần kinh thị giác và tổn thương võng mạc mắt. Ngoài ra, methanol gây ức chế thần kinh trung ương, giãn mạch, tụt huyết áp và giảm cung lượng tim. |