Cách thuần hóa bản tính hung dữ của chó lai

  •  
  • 2.616

Chó vốn là loài vật nuôi gần gũi với con người nhưng cũng dễ trở nên nguy hiểm khi người chủ đánh đập, xích nhốt chúng.

Cách thuần hóa chó lai

Bà Julie, y tá thú y thuộc Tổ chức Động vật châu Á, thành viên sáng lập Liên minh bảo vệ chó Châu Á - ACPA, cho biết, hiện nay ở Việt Nam phong trào nuôi chó đặc biệt là chó ngoại, chó lai rất phổ biến. Số lượng chó lớn với nhiều chủng loại, kích cỡ, nguồn gốc khác nhau. Chó lai thường khỏe mạnh hơn chó thuần chủng. Chúng thường sống lâu hơn và thích nghi tốt hơn với môi trường so với chó thuần chủng.

Cách thuần hóa bản tính hung dữ của chó lai
Những chú chó được dạy bảo cẩn thận luôn là người bạn tốt của con người. (Ảnh minh họa: News.)

Bất kỳ con chó nào, kể cả được nuôi từ nhỏ, cũng có thể trở nên hung dữ, đặc biệt là các giống chó lai. Khi bị nuôi nhốt trong một thời gian dài, tâm tính bị ức chế, chó lai thường trở nên hung dữ và rất nguy hiểm.

Theo đại diện Hiệp hội Tư vấn hành vi thú cưng (APBC), sự hòa nhập với cộng đồng xã hội và thích nghi với môi trường sống là hai nhân tố quan trọng nhất khi tiến hành nuôi bất kỳ con chó nào. Thời điểm 3-12 tuần tuổi là lúc chó hòa nhập và thích nghi với môi trường nhằm tránh những hành vi hung dữ trong tương lai.

Sự hòa nhập với cộng đồng là quá trình con vật học cách nhận ra và giao tiếp với các loài mà nó sinh sống cùng. Đối với chó nuôi ở nhà, cộng đồng của nó bao gồm những loài khác như con người hay mèo. "Bằng cách học hỏi giao tiếp với các loài khác, chó sẽ phát triển các kỹ năng giúp nó nhận ra liệu nó có bị đe dọa hay không và phản ứng lại những loài khác", bà Julie nói.

Theo bà Julie, các chú chó chỉ nên được huấn luyện bằng các phương pháp ban thưởng tích cực. Việc lạm dụng các biện pháp bạo lực và tạo áp lực thống trị lên một con chó sẽ chỉ làm tăng nguy cơ các hành vi hung dữ. Triệt sản chó có thể giúp giảm bớt một số nhân tố nhất định gây ra các hành vi hung dữ.

Có rất nhiều yếu tố khiến chó bộc lộ những xu hướng hung dữ. Ví dụ như di truyền, cách nuôi dưỡng, thiếu sự hòa nhập và thích nghi với môi trường sống, bị đánh đập…

Đầu tiên để chọn mua một chú chó, người chủ phải đảm bảo đó là giống chó tốt. "Tránh mua một chú chó đã lớn có biểu hiện hung dữ hoặc các hành vi quá khích. Nếu bạn muốn chó lớn, hãy cân nhắc chọn chó cứu hộ. Chúng thường xuyên được đánh giá hành vi và các nhân viên của đơn vị cứu hộ sẽ cung cấp cho bạn những thông tin tổng quát về tính tình của con chó đó", nữ y tá thú y khuyên.

Việc chó tấn công người trong nhà là điều không thường xuyên xảy ra. Tuy nhiên, người chủ cũng cần phải chuẩn bị trước, nói cho mọi người trong nhà phải làm gì khi thấy chó có dấu hiệu tấn công mình:

  • Không chạy khi đối diện với một con chó hung dữ. Chạy chỉ làm kích thích sự hung hăng của nó.
  • Tránh nhìn trực tiếp vào mắt chó vì nó cho rằng đó là sự thách thức. Nếu không thân thiện được thì nên tỏ vẻ thờ ơ, lãnh đạm.
  • Khi con chó bắt đầu bỏ đi, bạn nên rút lui, vẫn quan sát con chó nhưng không gây sự chú ý quá mức. Nếu con chó quay lại, ta phải dừng lại và chờ cho đến khi con chó bỏ đi lần nữa.
  • Trong một số trường hợp hãy cho phép con chó ngửi và hít bạn. Đa số trường hợp con chó sẽ bỏ đi ngay khi nhận ra đối tượng không phải là mối đe dọa thực sự.
  • Thay vì quát nạt, bạn hãy tập nói với con chó bằng giọng nhẹ nhàng như “Đi đi”, “về nhà đi nào” hay “chó ngoan”.
  • Phương án cuối cùng khi thấy có dấu hiệu bị tấn công, bạn ném hoặc giả vờ ném vật gì đó về phía con chó dữ đó.
  • Trong trường hợp bị tấn công, hãy cho chó cắn vào một vật gì khác như áo khoác của bạn, xe đạp, ví hoặc sách vở để đánh lạc hướng nó.
  • Nếu bị cắn thì hãy cuộn tròn người lại như quả bóng, dùng tay để bảo vệ đầu và cổ của mình rồi cầu cứu mọi người. Sau đó, bạn đến cơ sở y tế để kiểm tra và điều trị vết chó cắn. Bạn nên báo chi tiết mọi vết cắn cho bác sĩ.

Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương nhất vì chúng thường thích chơi gần chó. Điều quan trọng là không để các em chơi đùa gần các con chó hung dữ. Nếu hàng xóm nuôi chó, bạn cần giám sát chặt chẽ con của mình. Dạy bảo trẻ em cách cư xử tôn trọng và bình tĩnh khi gần chó là điều rất quan trọng, chẳng hạn không được phép trêu chọc chó, kéo tai hay đuôi nó. Chạy quanh hay gào thét cũng có thể khiến các con vật sợ hãi hoặc quá khích thái quá.

Theo VnExpress
  • 2.616