Nhờ quá trình mô phỏng tỉ mỉ, các nhà nghiên cứu Trung Quốc có thể tiến hành trơn tru hoạt động lấy mẫu vật Mặt trăng ở vùng tối bằng cánh tay robot và mũi khoan.
(Video: CGTN).
Nhiệm vụ lấy mẫu vật Mặt trăng Hằng Nga 6 của Trung Quốc đã trôi qua gần nửa chặng đường, trong đó tàu chở mẫu vật bay lên quỹ đạo hôm 4/6. Nhưng trước đó, quá trình lấy mẫu vật là sự phối hợp cẩn thận giữa khoa học và kỹ thuật, theo CGTN. Trước đây, Trung Quốc từng thu thập mẫu vật từ vùng sáng của Mặt trăng trong nhiệm vụ Hằng Nga 5 năm 2020. Tuy nhiên, hoạt động ở vùng tối hoàn toàn không thể quan sát từ Trái đất đặc biệt khó khăn.
Theo nhà nghiên cứu Jin Shengyi ở Tập đoàn khoa học và công nghệ hàng không vũ trụ Trung Quốc, người nắm rõ quá trình, bước đầu tiên là mô phỏng chính xác khu vực hoạt động của tàu thăm dò, cách Trái đất 380.000km. Nhóm nghiên cứu ở phòng thí nghiệm trên mặt đất sử dụng dữ liệu từ vệ tinh chuyển tiếp Thước Kiều 2 để mô phỏng mô hình địa lý của khu vực và quá trình lấy mẫu vật, cung cấp hỗ trợ quan trọng cho các quyết định của nhiệm vụ.
Quá trình lấy mẫu vật Mặt trăng của tàu Hằng Nga 6.
Jin và cộng sự đầu tiên phân tích dữ liệu ảnh chụp vị trí hạ cánh do tàu Hằng Nga 6 truyền về, sau đó xây dựng mô hình kỹ thuật số của khu vực. Tiếp đó, họ dựng bản mô phỏng thực tế từ mô hình kỹ thuật số, tái tạo môi trường bề mặt Mặt trăng theo tỷ lệ 1:1.
"Chúng tôi đặt một cơ cấu thu thập mẫu vật trong môi trường mô phỏng và điều chỉnh nó ở trạng thái tương tự thiết bị thật trên Mặt trăng. Trong mô trường tái tạo thực tế này, chúng tôi chọn các địa điểm lấy mẫu vật và thiết lập phương pháp thu thập mẫu đá", Jin giải thích.
Nhóm nghiên cứu lựa chọn hơn 10 địa điểm thích hợp và lệnh cho cánh tay robot hoạt động tại từng địa điểm chỉ với một chỉ thị, nhờ hệ thống lấy mẫu vật thông minh. Tàu thăm dò cũng thu thập mẫu vật Mặt trăng thông qua hoạt động khoan kéo dài 3 giờ.