Căn bệnh bí ẩn chỉ được chẩn đoán sau khi bệnh nhân đã chết, bởi bác sĩ cần cắt não của họ

  •   4,73
  • 3.826

Rất khó để có thể đưa ra một tiêu chí chẩn đoán dựa trên những lời tự thuật", Bác sĩ Rebekah Mannix, trưởng khoa Chấn thương sọ não tại Bệnh viện Nhi Boston, cho biết.

Bộ não trong bức ảnh này từng thuộc về một tuyển thủ bóng bầu dục chuyên nghiệp. Kích thước của nó lớn hơn nhiều so với những bộ não trung bình khác. Có lẽ, chủ nhân trước đây của nó phải rất lực lưỡng - một cầu thủ chơi ở vị trí lineman chẳng hạn.

Thế nhưng, đó là tất cả những gì bạn có thể đoán được, trước khi Ann McKee bắt đầu cắt bộ não ấy ra từng mảnh. Vài phút sau, thêm một bí ẩn mới được tiết lộ: Bộ não của tuyển thủ này bị tổn thương khá nhiều.

Bí ẩn bên trong những lát cắt não của cầu thủ bóng bầu dục
Bí ẩn bên trong những lát cắt não của cầu thủ bóng bầu dục

"Tôi nghĩ rằng anh chàng này đã bị CTE", McKee nói. Cô hiện đang là giáo sư thần kinh và bệnh lý học tại Đại học Y khoa Boston, đồng thời là trưởng khoa thần kinh học tại Trung tâm Y tế Quản trị Cựu Quân nhân New England.

Nhận định ban đầu về những vết teo và co rút mô ở một số khu vực não là vậy. Nhưng McKee sẽ phải xét nghiệm các mô trên kính hiển vi mới có thể chắc chắn: Liệu có đúng là tuyển thủ này đã bị rối loạn thoái hóa thần kinh hay không, một căn bệnh bí ẩn được các nhà chuyên môn gọi là chấn thương sọ não mãn tính (CTE).

Ann McKee (bên phải) giáo sư thần kinh và bệnh lý học tại Đại học Y khoa Boston
Ann McKee (bên phải) giáo sư thần kinh và bệnh lý học tại Đại học Y khoa Boston

Nếu có mặt trong phòng thí nghiệm để quan sát quá trình Mckee giải phẫu bộ não, bạn sẽ thấy cô ấy cắt nó ra thành lát như cách cắt một ổ bánh mì. Mỗi lần cắt xong một lát, cô ấy lại dừng lại để chỉ cho bạn những dấu hiệu bất thường trong đó.

"Những gì mà những tuyển thủ này làm với não bộ của mình thật đáng kinh ngạc", Mckee nhắc đi nhắc lại với một chút bực tức.

Mckee giải phẫu bộ não, cắt nó ra như một ổ bánh mì
Mckee giải phẫu bộ não, cắt nó ra như một ổ bánh mì

Trong phòng thí nghiệm thuộc khuôn viên bệnh viện VA ngay bên ngoài ngoại ô Boston, cô đang điều hành một ngân hàng não hàng đầu ở Mỹ nghiên cứu về ảnh hưởng của chấn thương sọ não.

Một vài năm trở lại đây, phòng thí nghiệm của McKee đã trở thành một địa điểm quen thuộc với các tuyển thủ bóng bầu dục chuyên nghiệp. Họ đến đây, hoặc là gia đình họ sẽ đến để hiến tặng bộ não của mình sau khi chết. Mục đích là giúp cho các nhà khoa học nghiên cứu sâu và hiểu rõ hơn về CTE.

Chấn thương sọ não mãn tính đã được nhiều nghiên cứu trong 15 năm qua, bao gồm một nghiên cứu nổi bật từ nhóm của McKee, liên kết với các hoạt động gây ra chấn động đầu lặp đi lặp lại.

Căn bệnh thể hiện các triệu chứng bên ngoài bao gồm gặp khó khăn về nhận thức, rối loạn tâm trạng, đau đầu, thể hiện hành vi hung hăng và ý định tự tử. Cầu thủ bóng bầu dục và các môn thể thao khác như bóng đá, khúc côn cầu là những đối tượng dễ mắc CTE nhất.

Cầu thủ bóng bầu dục là những đối tượng dễ mắc CTE nhất.
Cầu thủ bóng bầu dục và các môn thể thao khác như bóng đá, khúc côn cầu là những đối tượng dễ mắc CTE nhất.

Bộ não của tuyển thủ bóng bầu dục được McKee bình tĩnh giải phẫu đang kể một câu chuyện không thể phủ nhận về những gì môn thể thao này đã gây ra với nó. Những cú đẩy, ngã và các tình huống tranh chấp chắc chắn đã vượt ra ngoài khả năng bảo vệ của những chiếc mũ bảo hiểm.

McKee và các đồng nghiệp đã tìm thấy bằng chứng về chấn thương não mạn tính trong 88/92 bộ não của các cựu tuyển thủ NFL, và trong 45/55 bộ não của những tuyển thủ từng chơi bóng bầu dục cho đội bóng trường đại học.

Các dấu hiệu bệnh lý chỉ được phát hiện trong các lát cắt não sau khi bệnh nhân đã chết.
Các dấu hiệu bệnh lý chỉ được phát hiện trong các lát cắt não sau khi bệnh nhân đã chết.

Nhưng McKee thừa nhận một điều, các mẫu phẩm mà cô có được trong phòng thí nghiệm của mình không nói lên được mức độ phổ biến của căn bệnh. Nhiều trường hợp, các tuyển thủ hoặc gia đình của họ đã biết hoặc nghi ngờ mình bị CTE trước khi hiến tặng não bộ.

Khi mới bắt đầu nghiên cứu về chấn thương não mãn tính, McKee nghĩ rằng để một bệnh nhân mắc CTE thì chắc chắn họ phải bị chấn động vùng đầu. Nhưng càng nghiên cứu sâu, cô và các đồng nghiệp của mình lại càng nhận ra rằng điều đó không đúng.

McKee và một loạt các lát cắt não bộ hiến tặng
McKee và một loạt các lát cắt não bộ hiến tặng

Có khoảng 20% ​​số người được chẩn đoán mắc CTE với chấn thương đầu nhưng họ thực sự chưa bao giờ bị chấn động. Cũng có những trường hợp bệnh nhân bị chấn động đầu rất nhiều nhưng không hề phát triển bệnh.

Tất cả cho thấy rằng CTE vẫn là một căn bệnh bí ẩn. Nhiều câu hỏi không có lời giải đang dấy lên một cuộc tranh luận trong cộng đồng khoa học về mối quan hệ giữa phơi nhiễm với chấn động vùng đầu, triệu chứng của căn bệnh và các dấu hiệu bệnh lý chỉ được phát hiện trong các lát cắt não sau khi bệnh nhân đã chết.

"Rất khó để có thể đưa ra một tiêu chí chẩn đoán dựa trên những lời tự thuật", Bác sĩ Rebekah Mannix, trưởng khoa Chấn thương sọ não tại Bệnh viện Nhi Boston, cho biết. Ngay cả khi một người thuộc diện phơi nhiễm với chấn thương đầu thường xuyên, ví dụ như các tuyển thủ bóng bầu dục, CTE cũng chỉ có thể được chẩn đoán chắc chắn sau khi họ đã chết.

CTE vẫn là một căn bệnh bí ẩn
CTE vẫn là một căn bệnh bí ẩn

Bây giờ, với các nghiên cứu của mình, McKee hi vọng cô có thể góp phần vào làm thay đổi thực tế phũ phàng ấy. Bằng các dữ liệu thu thập được từ những bộ não hiến tặng, McKee cho biết cô đã bắt đầu tìm ra mối liên hệ giữa CTE với những cú đánh dưới ngưỡng gây chấn động.

Đó là những tình huống khiến não bộ bị rung động nhưng chưa đủ dữ dội để gây tổn thương tế bào não nghiêm trọng. Thông thường, các cú va chạm này không thể hiện triệu chứng, nhưng lặp đi lặp lại có thể là một nguyên nhân giải thích cho CTE.

Để có thể nghiên cứu chấn thương não mạn tính một cách bài bản và chính xác hơn, McKey cho biết khoa học sẽ cần đến những tuyển thủ bóng bầu dục tình nguyện đeo gia tốc kế suốt đời hoặc ít nhất trong quá trình họ thi đấu để kiểm tra.

Một phần câu trả lời đang nằm trong chính bộ não mà McKee vẫn đang cắt ra từng lát trên bàn.
Một phần câu trả lời đang nằm trong chính bộ não mà McKee vẫn đang cắt ra từng lát trên bàn.

Lý tưởng nhất thì các nghiên cứu như vậy cũng cần theo dõi thêm cả chế độ dinh dưỡng, hiệu suất tâm thần và các khía cạnh sức khỏe khác của tuyển thủ. Sau khi có đầy đủ các dữ liệu, nhà khoa học cuối cùng mới có thể chỉ ra đâu là những nguy cơ lớn nhất gây ra CTE.

Với tầm nhìn như vậy, có lẽ cũng phải mất vài chục năm nữa, các nghiên cứu khoa học mới có thể giải đáp những bí ẩn về căn bệnh này. Tại sao và như thế nào mà CTE lại được tích lũy và phát sinh?

Cập nhật: 23/08/2019 Theo Trí Thức Trẻ
  • 4,73
  • 3.826