Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA) vừa công bố bức ảnh rõ nét về các đốm sáng bí ẩn trên tiểu hành tinh Ceres. Khoa học hiện vẫn chưa thể lý giải được những đốm sáng kỳ bí đó là gì.
Cận cảnh đốm sáng bí ẩn trên tiểu hành tinh Ceres - ảnh 1Những đốm sáng bí ẩn được tàu Dawn chụp ở khoảng cách 4.400 km - (Ảnh chụp màn hình NASA)
Tàu thăm dò vũ trụ không người lái Dawn chụp bức ảnh ở khoảng cách rất gần, khoảng 4.400 km cách bề mặt Ceres. NASA công bố bức ảnh hôm 10.6. Giả thuyết được nhiều người nhắc đến nhất vào lúc này là các đốm sáng xuất hiện do phản chiếu ánh sáng từ băng hoặc hồ muối lớn, thậm chí là một mỏ khoáng sản.
Tàu vũ trụ Dawn vừa mới bay vào quỹ đạo quanh tiểu hành tinh và sẽ mất 15 ngày để bay hết một vòng quanh Ceres. Tàu sẽ chụp lại toàn bộ bề mặt thiên thể để nghiên cứu lịch sử cấu tạo địa hình và tìm hiểu xem liệu nơi đây có đang diễn ra hoạt động địa chất.
Những đốm sáng bí ẩn xuất hiện trong một miệng núi lửa có đường kính khoảng 90 km. Ban đầu, các nhà khoa học chỉ nhìn thấy 2 điểm, nhưng khi ảnh phân giải rõ hơn thì phát hiện rất nhiều điểm riêng lẻ nằm gần nhau.
Tàu thăm dò vũ trụ Dawn - (Ảnh chụp màn hình NASA)
"Những điểm sáng kỳ lạ làm Ceres trở nên độc đáo hơn so với bất kỳ tiểu hành tinh nào mà con người từng quan sát trong hệ mặt trời", tiến sĩ Chris Russel, người phụ trách chính sứ mệnh thăm dò của tàu Dawn, cho biết.
Có rất nhiều giả thuyết nhưng tiến sĩ Marc Rayman, kỹ sư trưởng của Dawn, cho rằng rất có thể đó là những hồ muối. Chúng hình thành khi nước biển bốc hơi và muối ngưng tụ lại.
Đầu tháng 8 tới, Dawn sẽ hạ thấp độ cao và bay cách bề mặt Ceres khoảng 1.450 km. Lúc ấy, các nhà khoa học có thể quan sát điểm sáng rõ ràng hơn.