Trên thế giới có hơn 100.000 loài ruồi, trong đó lớn nhất là ruồi gỗ thân dài hơn 8 cm hay ruồi cần cẩu chân dài 23 cm.
Những côn trùng chúng ta thường gọi là ruồi thuộc nhóm Diptera có ít nhất 110.000 loài khác nhau. Một số loài có tính chất nổi bật riêng. Trong số đó, ruồi Mydas và ruồi gỗ đứng đầu danh sách những con ruồi lớn nhất thế giới.
Loài lớn nhất trong nhóm Mydas tên là Gauromydas heros (hoặc Mydas heros), có chiều dài 7cm. Tuy nhiên Erica McAlister, chuyên gia Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London đo mẫu vật thật cho biết, chúng chỉ dài khoảng 6cm.
(Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London)
Nhóm ruồi Mydas có tên khoa học là Mydiae, bao gồm khoảng 400 loài. Chúng được tìm thấy trên khắp thế giới, chủ yếu là ở những nơi có khí hậu nóng cùng với thảm thực vật cây bụi.
Một con ruồi Mydas chưa định loài. (Ảnh: Bilogoandre)
Điều này cũng có thể liên quan đến lý thuyết "kích cỡ cực hạn của loài ruồi", do tác động bởi khí hậu Trái Đất và khí quyển. Theo một nghiên cứu từ năm 2005, nhiệt độ môi trường sống quyết định tốc độ trao đổi chất của ruồi, do đó chúng chỉ đạt kích cỡ nhất định.
Ruồi gỗ Pantophthalmus tabaninus trưởng thành. (Ảnh: PREMAPHOTOS/NPL)
Ruồi gỗ có tên khoa học là Pantophthalmidae, sống tại khu vực Trung và Nam Mỹ, dọc theo khu vực từ Mexico đến Brazil và Paraguay.
Tên ruồi gỗ được đặt theo tập quán sinh trưởng. Ruồi gỗ cái đẻ trứng trên thân cây chết, những con ấu trùng nở ra tự đào khoan lỗ để sinh sống và phát triển bên trong. Để làm được như vậy, hàm dưới của chúng sớm phát triển mạnh. Trong nhiều tháng liền, thức ăn chủ yếu của chúng là nhựa cây lên men ở lõi cây mục nát.
Tiêu bản ruồi gỗ Pantophthalmus bellardi trưng bày trong Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London. Với sải cánh 8,5cm, kích thước của chúng vượt trội hơn hẳn những con ruồi Mydas kể trên. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London.)
"Chiều dài từ đầu đến bụng của con ruồi gỗ lớn nhất trong bảo tàng là 8 cm", McAlister nói. "Gỗ không chứa nhiều dinh dưỡng, nên chúng cần phải ăn rất nhiều trong một thời gian dài để phát triển". Và cuối cùng khi trưởng thành, chúng thực sự là những người khổng lồ.
Ruồi gỗ đực (trái) và cái (Pantophthalmidae). (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London)
Những con trưởng thành chỉ sống một vài tuần lễ, gần như không ăn, cơ miệng kém phát triển, sống ẩn dật và ít di chuyển. Chúng sống chủ yếu chỉ tìm bạn đời và đẻ trứng. Nhìn chung, những con ruồi gỗ có kích thước đáng sợ như vậy nhưng khá nhút nhát và vô hại.
Đầu ruồi gỗ Opetiops alienus cái có một bộ phận dài và nhọn nhô ra như một mũi chích lớn, thực chất đây chỉ là ống trứng của chúng - theo McAlister. (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London)
Ngoài ra, còn một ứng viên khác đó là ruồi cần cẩu hay còn gọi là nhện cỏ, tên khoa học là Holorusia brobdignagius, do chúng có những cặp chân rất dài. (Ảnh: LiveInternet)
Trong cuốn sách Animal Record (Kỷ lục Động vật), nhà tự nhiên học Mark Carwardine đo được chiều dài khi duỗi thẳng của ruồi cần cẩu là 23 cm. Với đôi chân này, tùy vào quan điểm từng người mà có thể coi chúng là loài ruồi lớn nhất hay không.