Đối với một người bệnh khi phải dùng thuốc thì việc tuân thủ điều trị sẽ đem lại hiệu quả chữa bệnh cao, nhưng đối với người nhiễm HIV/AIDS việc tuân thủ này còn ngăn chặn được HIV, phòng tránh hiện tượng kháng thuốc và duy trì một cách toàn diện sức khoẻ cho người bệnh.
Mục đích của việc điều trị bằng thuốc kháng HIV (ARV) là ức chế sự nhân lên của virut và kìm hãm lượng virut trong máu ở mức thấp nhất; Phục hồi chức năng miễn dịch, giảm nguy cơ mắc các bệnh nhiễm trùng cơ hội; Cải thiện chất lượng sống và giảm đáng kể tỷ lệ tử vong ở người nhiễm HIV...
Điều trị ARV chủ yếu là điều trị ngoại trú và được chỉ định khi người bệnh có đủ tiêu chuẩn lâm sàng, và/hoặc xét nghiệm và chứng tỏ đã sẵn sàng điều trị.
Khi đưa một bệnh nhân vào điều trị bằng thuốc ARV, bác sĩ phải dựa vào giai đoạn lâm sàng của bệnh nhân và số lượng tế bào CD4. Theo “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị HIV/AIDS” của Bộ Y tế, nếu có xét nghiệm CD4, chỉ định điều trị ARV khi:
Nếu không làm được xét nghiệm CD4, chỉ định điều trị ARV khi người nhiễm HIV ở giai đoạn lâm sàng 3,4.
Tuân thủ điều trị là yêu cầu số một khi điều trị thuốc ARV.
Khi người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV vẫn phải áp dụng các biện pháp dự phòng lây nhiễm virut cho người khác. Với những người được điều trị ARV khi tình trạng miễn dịch chưa phục hồi cần tiếp tục điều trị dự phòng các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Do HIV có tỷ lệ nhân lên và đột biến rất cao nên bệnh nhân cần tuyệt đối tuân thủ điều trị. Nghĩa là phải dùng đúng liều, đúng giờ và đều đặn hàng ngày. Người bệnh phải tự đặt ra cho mình một giờ uống thuốc nhất định.
Lịch uống thuốc sẽ dễ thực hiện nếu có thể lồng ghép vào thời gian biểu hoạt động hàng ngày. Có thể đặt chuông báo thức hoặc điện thoại di động để nhắc nhở việc uống thuốc hoặc người hỗ trợ trong gia đình nhắc nhở giờ uống thuốc. Các thuốc uống 2 lần/ngày thì phải uống cách nhau 12 giờ. Các thuốc uống 3 lần/ngày thì phải uống cách nhau 8 giờ/lần.
Nếu không tuân thủ (nghĩa là các liều thuốc không được dùng đều đặn, đủ liều và đúng giờ) sẽ dẫn đến việc nồng độ thuốc trong máu thấp, các đột biến của HIV sẽ xuất hiện sự kháng thuốc. Việc điều trị sẽ bị thất bại.
Trường hợp người bệnh khi phát hiện ra mình quên uống thuốc theo lịch thì phải uống ngay liều thuốc vừa quên. Tiếp theo tính thời gian uống liều kế tiếp theo lịch như thường lệ. Nếu thời gian đến liều uống kế tiếp còn dưới 4 tiếng, không được uống liều kế tiếp theo lịch cũ mà phải đợi trên 4 tiếng mới được uống. Nếu quên hơn 2 liều trong một tuần, người bệnh phải báo cho bác sĩ điều trị để được hướng dẫn.
Khi dùng các thuốc điều trị kháng HIV (ARV) người bệnh có thể gặp các tác dụng phụ do thuốc gây ra. Một số tác dụng phụ thường gặp là:
Ngoài ra thuốc có thể gây độc với gan, thận, rối loạn phân bố mỡ (với các biểu hiện tăng tích tụ mỡ ở ngực, bụng, lưng, gáy; teo mô mỡ ở cánh tay, cẳng chân, mông, má... ).
Do các thuốc ARV có nhiều tác dụng phụ, vì thế trong quá trình dùng thuốc nếu thấy có biểu hiện bất thường nào, người bệnh cần thông báo ngay cho bác sĩ điều trị biết để có cách xử trí phù hợp.