Thành phố Cần Thơ là địa phương đầu tiên trong cả nước có kịch bản biến đổi khi hậu, nước biển dâng chi tiết.
Cần Thơ ngập trong triều cường cuối tháng trước. (Ảnh: Gia Bảo)
Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường cho biết, đơn vị này vừa hoàn thành chi tiết kịch bản biến đổi khí hậu và nước biển dâng cho thành phố Cần Thơ trong khuôn khổ Dự án tăng cường năng lực quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu, với sự tài trợ của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP).
Theo kịch bản phát thải trung bình, nhiệt độ trung bình đến cuối thế kỷ này ở Cần Thơ sẽ tăng khoảng 1,5-2,5 độ C so với giá trị trung bình thời kỳ 1980 -1999, lượng mưa tăng vào khoảng 5%-7%.
Về kịch bản nước biển dâng, năm 2050 mực nước ở khu vực này có thể dâng lên khoảng 23cm đến 27cm, đến cuối thế kỷ này có thể tăng lên 59cm đến 75cm, thấp hơn một chút so với khu vực biển tây từ Cà Mau đến Kiên Giang.
Theo đánh giá của các chuyên gia, chế độ thủy văn bất thường của thời kỳ biến đổi khí hậu, cuộc sống người dân và các ngành nghề sản xuất tại thành phố Cần Thơ sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất so với các địa phương khác trong vùng đông bằng sông Cửu Long.
Tiến sĩ Trần Thục, viện trưởng Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Môi trường cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, trong đó đồng bằng sông Cửu Long được đánh giá là một trong 3 đồng bằng trên thế giới dễ bị tổn thương nhất do nước biển dâng.