Càng lớn, khả năng càng “thoái hóa”

  •   52
  • 1.345

Con người càng trưởng thành, các khả năng của họ càng được cải thiện, chẳng hạn các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết... Đó là quan niệm phổ biến nhưng thực chất không chính xác.

Nghiên cứu của các nhà khoa học thuộc Đại học Minnesota (Mỹ), Đại học Sheffield và Đại học College London (Anh) cho thấy càng lớn lên khả năng nhận dạng gương mặt của chúng ta càng kém đi. Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã làm thí nghiệm với những đứa trẻ 6 tháng tuổi, 9 tháng tuổi, và người lớn về khả năng nhận diện người và các con khỉ.

Càng lớn, khả năng càng “thoái hóa”

Kết quả cho thấy khi trẻ em lớn lên, khả năng nhận diện, đặc biệt nhận diện các loài thú, dần kém đi. Chẳng hạn, những đứa trẻ dưới 6 tháng tuổi có thể phân biệt gương mặt các con khỉ một cách rất dễ dàng, trong khi với những đứa trẻ 9 tháng tuổi, khả năng này giảm xuống chỉ bằng mức phân biệt gương mặt người.

Điều đáng chú ý là những đứa trẻ 6 tháng tuổi còn vượt trội về nhiều khả năng khác. Nghiên cứu cho thấy trong khi những đứa trẻ 6 tháng tuổi có thể phân biệt gần 11 thứ tiếng, những đứa trẻ 9 tháng tuổi chỉ có thể phân biệt được ngôn ngữ mẹ đẻ của chúng mà thôi.

Nghiên cứu của Đại học McMaster ở Canada cũng ủng hộ những phát hiện này. Các nhà nghiên cứu đã khám phá ra rằng mặc dù trẻ sơ sinh cần thời gian để thích nghi, chúng nhanh chóng sở hữu khả năng phân biệt đủ loại gương mặt. Khả năng của một người lớn khi phân biệt các gương mặt động vật, đặc biệt những loại không quen thuộc, là thấp hơn rất nhiều khả năng phân biệt các gương mặt người. Còn với trẻ em, khả năng của chúng khi phân biệt các gương mặt, dù là người hay động vật, là tương đương nhau.

Những nghiên cứu này cho thấy dù kiến thức dường như được tích lũy khi con người lớn lên, nhiều khả năng thực sự đã “thoái hóa”. Có nhiều trường hợp các thần đồng lại chỉ đạt được những thành quả tầm thường khi chúng lớn lên. Khi con người trưởng thành, họ không chỉ mất đi sự thuần khiết lúc sinh ra, mà còn lu mờ trí tuệ.

Theo Dân Việt
  • 52
  • 1.345