Stress kích hoạt tế bào miễn dịch ở da chuột khiến chúng cảm thấy ngứa ngáy. Cơ chế tương tự có thể xảy ra ở người.
Ngứa vẫn là một hiện tượng bí ẩn đối với giới khoa học. Do lớp da là "phòng tuyến" đầu tiên chống lại sự xâm nhập của các tác nhân lây nhiễm nên đó là nơi các tế bào bạch cầu tấn công vi khuẩn và virus. Mặc dù vậy, đôi khi tế bào miễn dịch ở da phản ứng thái quá, dẫn đến các bệnh viêm nhiễm ngoài da như viêm da, vẩy nến.
Nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng trạng thái căng thẳng, lo âu có thể gây nên nhiều bệnh, từ cảm cúm tới ung thư.
Theo tiến sĩ Petra Arck của Đại học Y khoa Berlin (Đức), stress có thể khiến bệnh ngoài da trở nên trầm trọng bằng cách tăng số lượng bạch cầu. Để kiểm tra giả thiết này, Petra cùng các cộng sự gây căng thẳng ở chuột rồi theo dõi hàm lượng bạch cầu ở da của chúng. Kết quả cho thấy số lượng bạch cầu tăng lên khi chuột bị stress và chúng chạy lung tung vì ngứa. Trong thử nghiệm tiếp theo, nhóm nghiên cứu vô hiệu hóa hai protein có chức năng thu hút bạch cầu tới da có tên là LFA-1 và ICAM-1. Họ nhận thấy số lượng bạch cầu vẫn tăng lên khi chuột rơi vào trạng thái căng thẳng.
"Điều này chứng tỏ stress đã kích hoạt tế bào miễn dịch, tạo điều kiện cho các bệnh ngoài da phát triển và làm trầm trọng hơn các bệnh ngoài da sẵn có. Cơ chế tương tự có thể xảy ra ở nhiều động vật, trong đó có con người", nhóm nghiên cứu kết luận.