Cảnh báo nuôi rùa làm cảnh có thể rước bệnh vào thân

  •  
  • 463

Các chuyên gia cảnh báo, việc nuôi rùa làm thú cưng có thể tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh cho người cũng như rủi ro pháp lý khi rất nhiều loài rùa nằm trong danh mục bảo vệ của pháp luật.

Thời gian qua, xuất hiện trào lưu nuôi rùa cảnh ở một số hộ gia đình tại Hà Nội cũng như nhiều địa phương khác. Trong quan điểm của một số người, việc nuôi rùa tại nhà không chỉ làm cảnh mà còn mang ý nghĩa về mặt phong thủy.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia của Chương trình bảo tồn rùa Châu Á (ATP), việc nuôi rùa làm cảnh tiềm ần rất nhiều nguy cơ cho người nuôi cũng như chính loài rùa.

Nuôi rùa cảnh cũng làm tăng nguy cơ tuyệt chủng loài do thúc đẩy săn bắt rùa.
Nuôi rùa cảnh cũng làm tăng nguy cơ tuyệt chủng loài do thúc đẩy săn bắt rùa.

Rùa nuôi có thể mang mầm bệnh cho người hoặc trở thành vật trung gian truyền bệnh. Nhiều loài yêu cầu điều kiện chăm sóc đặc biệt và khó nuôi nhốt. Đặc biệt, hầu hết các loài được bảo vệ bởi pháp luật, nuôi rùa trái phép có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự. Nuôi rùa cảnh cũng làm tăng nguy cơ tuyệt chủng loài do thúc đẩy săn bắt, buôn bán rùa hoang dã.

Theo đại diện của ATP, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) cảnh báo rằng, rùa thường mang vi khuẩn Salmonella trên bề mặt da, vỏ mai của chúng và có thể lây truyền vi khuẩn Salmonella, gây ra tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng cho người. Salmonella là một nhóm vi khuẩn, khi xâm nhập vào cơ thể người thường gây tiêu chảy, sốt và co thắt dạ dày.

Tuy phần lớn các trường hợp thường không nghiêm trọng, vi khuẩn này có thể gây ra triệu chứng nặng ở một số người, thậm chí dẫn tới tử vong. Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ uớc tính vi khuẩn Salmonella gây bệnh cho khoảng 1,35 triệu người với 26.500 người nhập viện, khoảng 420 người tử vong hàng năm ở Mỹ.

Chuyên gia của ATP cũng khuyến cáo, hầu hết các loài rùa cạn và rùa nước ngọt bản địa được pháp luật Việt Nam bảo vệ, theo Bộ Luật Hình sự 2015, được sửa đổi, bổ sung năm 2017. Các hành vi vi phạm liên quan đến các loài này có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự với mức phạt lên tới 15 năm tù giam cho cá nhân và 15 tỷ đồng đối với pháp nhân.

Gần đây nhất, tháng 3/2021, một đối tượng đã bị tuyên phạt 10 năm tù giam vì tội nuôi, nhốt trái phép 127 cá thể rùa nguy cấp, quý, hiếm. Tuy nhiên, theo ATP hiện nhiều người Việt Nam vẫn thiếu hiểu biết về các loài rùa và luật pháp liên quan.

Ngoài ra, phần lớn các loài rùa ngoại lai bị buôn bán ở Việt Nam đều bị nhập khẩu trái phép. Việc nuôi, nhân giống hay buôn bán nhiều loài ngoại lai ở Việt Nam, đặc biệt là loài ngoại lai gây hại như rùa tai đỏ là vi phạm pháp luật, có thể bị xử phạt hành chính.

Ở một khía cạnh khác, theo chuyên gia của ATP, lợi nhuận khổng lồ từ buôn bán thú cảnh, đặc biệt tại thị trường châu Á đã tiếp tục thúc đẩy nhu cầu săn bắt và buôn bán rùa, làm suy giảm và tuyệt diệt các quần thể rùa hoang dã.

Tại Việt Nam ghi nhận khoảng 26 loài rùa cạn và rùa nước ngọt. Do nạn săn bắt nhiều năm qua, đến nay, có 4/26 loài sắp nguy cấp (VU), 10 loài nguy cấp (EN) và 10 loài trong tình trạng cực kỳ nguy cấp (CR), theo sách Đỏ IUCN.

“Khi xem xét các khía cạnh về sức khỏe con người, phúc lợi động vật và pháp luật, có thể thấy rằng việc nuôi rùa làm cảnh gây ra những tác hại to lớn”, đại diện ATP chia sẻ.

Cập nhật: 14/07/2021 Theo Tiền Phong
  • 463