Cặp song sinh chào đời từ tinh trùng bất động của cha

  •  
  • 604

Vợ chồng anh Trần Quốc Thảo và chị Vũ Hồng Nhung (25 tuổi) là cặp vợ chồng đầu tiên của Bệnh viện (BV) Bưu Điện, Hà Nội được đón nhận hạnh phúc sau chặng đường dài chạy chữa vô sinh hiếm muộn.

Theo anh Thảo, được làm bố ở tuổi 33 với nhiều người là chuyện bình thường, nhưng với anh là một kỳ tích. "Vợ chồng tôi lập gia đình được 5 năm, tỏ ra rất "nhiệt tình" trong 2 năm đầu nhưng vẫn không thấy có con. Cả hai bắt đầu lo, vợ tôi uống đủ thứ thuốc đông y, ai mách chỗ nào cũng đến khám và xin bốc thuốc uống. Chờ mãi cũng không có gì. Đi khám bác sĩ kết luận vợ tôi bình thường. Lúc này, đến lượt tôi đi khám mới rõ lý do vợ không có bầu vì tinh trùng của tôi bất động 100%".

Cặp song sinh chào đời từ tinh trùng bất động của cha.
Cặp song sinh chào đời từ tinh trùng bất động của cha.

Lên mạng tìm hiểu thông tin rồi cầm hồ sơ đi nhiều nơi với hy vọng "ông trời thương" nhưng nhiều bác sĩ nhìn hồ sơ rồi lắc đầu, bảo "ca này khó". Bỏ bê công việc, ròng rã cả năm trời tìm kiếm cơ hội, nhiều lúc vợ chồng anh cảm thấy mệt mỏi. Cách đây hơn 1 năm, vợ chồng anh đến Trung tâm hỗ trợ sinh sản, BV Bưu Điện, Hà Nội để thăm khám. Trực tiếp điều trị cho anh là bác sĩ Vương Vũ Việt Hà, Trung tâm hỗ trợ sinh sản cho biết đối với trường hợp của anh Thảo, nếu chỉ dừng lại ở việc xem kết quả thì bệnh nhân sẽ không có cơ hội làm cha. Do đó, Trung tâm đã làm xét nghiệm nhuộm để xác định xem có tinh trùng bất động nào còn sống trong mẫu không. Kết quả là có, như thế có tia hy vọng. Sau đó bệnh nhân được chỉ định làm thụ tinh trong ống nghiệm với kỹ thuật tiêm tinh trùng và bào tương trứng, sau đó được chuyển 3 trong số 11 phôi thu được. Trong suốt thời gian đó, cả bác sĩ và bệnh nhân như nín thở chờ mong...

8 tháng sau, vợ chồng anh được ôm trên tay cặp song sinh Bảo Ngọc – Thảo Chi. "Giờ các con tôi đã được 11 tháng tuổi rồi, hạnh phúc đến muộn nhưng thật tuyệt vời" - anh Thảo chia sẻ.

Bác sĩ Hà cho biết lâu nay chúng ta vẫn hiểu sai về vô sinh và thường khi "có chuyện", các đấng mày râu hay cho rằng nguyên nhân là do phía chị em, tuy nhiên thực tế 40% nguyên nhân vô sinh xảy ra do nam giới, trong đó có 10% xuất tinh không có tinh trùng. "Hiếm muộn ở nam chia làm 2 trường hợp. Thứ nhất gồm các ca liệt dương, xuất tinh ngược dòng, tinh trùng dị dạng, yếu, tinh trùng bất động. Còn lại là xuất tinh không có tinh trùng" - bác sĩ Hà chia sẻ. Về nguyên do không có tinh trùng hoặc tinh trùng bất động, theo bác sĩ Hà, có thể liên quan đến yếu tố bẩm sinh, bị khuyết ống dẫn tinh, tắc ống dẫn tinh khiến tinh trùng bị kẹt ở mào tinh hoặc do tinh hoàn có vấn đề làm giảm hoặc không sản xuất được tinh trùng.

Vợ chồng anh Hảo, chị Nhung với niềm hạnh phúc được làm cha mẹ của cô con gái song sinh Bảo Ngọc- Thảo Chi.
Vợ chồng anh Hảo, chị Nhung với niềm hạnh phúc được làm cha mẹ của cô con gái song sinh Bảo Ngọc- Thảo Chi.

Về các yếu tố khiến tinh trùng của quý ông ngày càng suy giảm, bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Trưởng Trung tâm hỗ trợ sinh sản, BV Bưu Điện, cho rằng ngoài yếu tố bệnh lý thì llối sống hiện đại, môi trường, hóa chất, sóng, tia xạ... cũng có thể khiến số lượng "con giống" quý ông ngày càng sụt giảm. "Bình thường trong 5ml tinh dịch của quý ông có tới hàng triệu con tinh trùng nhưng với người "có vấn đề" chỉ có một vài con, thậm chí không có "mống" nào. Mới đây, chúng tôi đã mất 4 tiếng để "bắt" 20 con tinh trùng của một bệnh nhân nam bị hiếm muộn để làm thụ tinh cho cặp vợ chồng này" - bác sĩ Nhã chia sẻ.

Theo thông kê, hiện ở Việt Nam có tới 7,7% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh sản, tương đương với hơn 1 triệu cặp vợ chồng gặp phải các vấn đề về vô sinh hiếm muộn. Mức độ vô sinh ở nam giới được chia làm 4 cấp độ thì trường hợp tinh trùng bất động hoàn toàn được xếp ở mức cao nhất. Trong số các trường hợp vô sinh nam thì dưới 1% là do tinh trùng bất động. Do đó, các bác sĩ khuyên các cặp vợ chồng có quan hệ tình dục đều đặn sau 1 năm (nếu dưới 35 tuổi) và 6 tháng (nếu trên 35 tuổi) mà chưa có thai thì nên đi khám để được xác định nguyên nhân vô sinh.

Cập nhật: 05/08/2017 Theo NLĐ
  • 604