Tại sao trong thời đại này, chúng ta vẫn phải tìm cách phục hồi hộp đen của máy bay như là cách duy nhất để biết chuyện gì đã xảy ra với những chiếc máy bay bị mất tích?
Không cần phải là một chuyên gia, bạn cũng có thể tự đặt câu hỏi: tại sao với công nghệ hiện tại, một chiếc máy bay lại có thể mất tích giữa bầu trời, khiến người ta phải khốn khổ tìm kiếm bằng máy bay, bằng tàu thủy, thay vì một công nghệ tối tân nào đó?
Đó là một câu hỏi, cũng đồng thời là một sự cảm khái, thể hiện sự mất niềm tin sâu sắc vào công nghệ định vị hiện tại, theo CNN.
Với công nghệ hiện tại, thậm chí một chiếc iPhone bị mất tích người ta còn có thể dùng ứng dụng để tìm kiếm chính xác vị trí của nó. Vậy thì tại sao một chiếc máy nặng 67 tấn biến mất lại khiến người ta bối rối đến vậy và buộc phải tỏa ra mọi hướng trên đại dương rộng mênh mông để tìm kiếm?
Việc một chiếc máy bay bị mất tích trên bầu trời như trường hợp mới đây của hãng hàng không AirAsia được xem là một thất bại của ngành công nghiệp này. (Ảnh: Ibtimes)
“Tại sao tìm một chiếc iPhone lại dễ hơn tìm một chiếc máy bay”, một người dùng Twitter đã lên tiếng đặt ra câu hỏi. Chắc chắn, sẽ có hàng nghìn những câu hỏi như vậy xuất hiện trên mạng xã hội. Trong một xã hội là người ta có thể định hướng mọi thứ, từ các ứng dụng bản đồ cho đến vị trí của bạn để hiện thông tin quảng cáo một cách chính xác trên trình duyệt web, họ lại không thể định vị một chiếc máy bay gặp nạn.
Tại sao trong thời đại này, chúng ta vẫn phải tìm cách phục hồi hộp đen của máy bay như là cách duy nhất để biết chuyện gì đã xảy ra với nó? Lẽ ra, dữ liệu các chuyến bay phải được truyền trực tiếp lên các đám mây theo thời gian thực.
Việc máy bay của AirAsia mất tích hôm 28/12 đã là lần thứ 2 trong năm nay, một chiếc máy bay đột nhiên mất tích. Mảnh vỡ từ chiếc máy bay Airbus A320 đã được tìm thấy, thi thể một số nạn nhân cũng đã được tìm thấy. Tuy nhiên, trường hợp của chuyến bay MH370 lại không may mắn đến vậy. 10 tháng sau khi xảy ra sự cố, vẫn chưa có bất cứ thông tin mới nào về chiếc máy bay này.
Tại thời điểm đó, Jim Hall – cựu Giám đốc của Ban An toàn Giao thông Quốc gia Mỹ đã kêu gọi nâng cấp khả năng theo dõi máy bay nhưng không nhận được bất cứ sự đồng thuận đáng kể nào.
Ngành công nghiệp hàng không đã đầu tư hàng tỷ USD vào các tính năng an toàn nhưng việc theo dõi dữ liệu máy bay theo thời gian thực vẫn chưa được để ý đến.
Hành khách, thân nhân của những người gặp nạn là những người phải chịu những nỗi đau đớn, bất an lớn nhất. (Ảnh: CBC)
“Hàng triệu người trong chúng ta có thể được định vị ngay lập tức thông qua công nghệ trên chiếc di động cầm tay nhưng một chiếc máy bay Boeing 777 nặng 136 tấn với 239 người trên đó lại biến mất hoàn toàn khỏi bề mặt Trái đất”, Hall từng viết về trường hợp của vụ MH370. “NASA có khả năng chụp ảnh các vì sao cách chúng ta hàng tỷ năm ánh sáng nhưng chúng ta lại phải dự đoán nơi chiếc máy bay này có thể gặp nạn”.
“Công nghệ theo dõi dựa trên thời gian thực đã có sẵn. Chúng ta không phải đợi để phát triển nó. Những chiếc máy bay nên gửi dữ liệu liên tiếp về các trạm không lưu”, Mary Schiavo – chuyên gia phân tích hàng không của CNN cho hay. Tuy nhiên cho đến nay, công nghệ này vẫn chưa có mặt tại các sân bay lớn.
Chi phí là rào cản lớn nhất, Seth Kaplan – quản lý của Airline Weekly cho biết. Các hãng hàng không đã vận động chính phụ đóng góp một phần tiền để trang bị công nghệ mới này vì cho rằng, đó không chỉ là vấn đề hàng không mà còn là an ninh quốc gia.
Có thể, các chính phủ sẽ đồng ý hỗ trợ, vấn đề là tiền sẽ không được rót ra sớm như hành khách mong đợi, Kaplan chia sẻ.