Đêm Halloween vừa qua do không có mặt trăng nên nhiều người đã được chiêm ngưỡng màn trình diễn của sao Kim, sao Mộc, sao Thổ và thỉnh thoảng là một quả cầu lửa Halloween - thật ra chính là mưa sao băng Taurids.
Mưa sao băng Taurids thường nhỏ hơn nhiều so với các trận mưa sao băng khác, đêm "cực đỉnh" cũng chỉ có vài ngôi sao băng mỗi giờ, nhưng lại là mưa sao băng kéo dài nhất: trên 2 tháng, trong khi các trận mưa sao băng lớn lại chỉ kéo dài vài ngày đến vài tuần.
Vị trí xuất hiện mưa sao băng Nam Taurids (Southern Taurids) và Bắc Taurids (Northern Taurids) - (Ảnh: Astronomy Now).
Thật ra có tới 2 trận mưa sao băng Taurids. Đầu tiên là mưa sao băng Nam Taurids, diễn ra từ ngày 10-9, kéo dài đến tận 20-11. Theo Earthsky, "đỉnh" của mưa sao băng Nam Taurids năm nay được đa số các nhà thiên văn dự đoán là khoảng ngày 5-6 tháng 11. Tuy nhiên Tổ chức Sao Băng Quốc tế lại cho rằng nó đã diễn ra vào ngày 10-10, trong khi Hiệp hội Sao Băng Mỹ (ÁM) thì khẳng định nó sẽ đạt đỉnh ngày 2-3 tháng 11.
Thật ra khá khó xác định đêm đỉnh của mưa sao băng Taurids bởi nó quá thưa và độ chênh lệch về số lượng sao giữa các đêm không lớn như các trận mưa sao băng khác.
Trong khi đó, mưa sao băng Bắc Taurids sẽ rơi từ ngày 20-10 đến 10-12, thời gian đạt đỉnh dự kiến là đêm 11-12 tháng 11.
Theo Inverse, nguồn gốc của mưa sao băng Taurids được cho là sao chổi 2P/Enke, xảy ra khi Trái đất đi qua chiếc đuôi đá bụi mà nó để lại. Tuy nhiên vùng đá bụi này bị tác động từ Sao Mộc khổng lồ làm xáo trộn, tách đôi nên mới có Nam Taurids và Bắc Taurids xuất hiện gần nhau, chênh nhau một chút về thời gian lẫn khoảng cách.
Do đều hiển thị trên bầu trời vào cuối tháng 10, nên mưa sao băng Taurids còn được gọi là "cầu lửa Halloween". Để tìm chúng, hãy hướng mắt về chòm sao Taurus (Kim Ngưu).