Cầu thủ bóng đá được xịt gì vào vết thương khi bị đau trên sân?

  •   3,84
  • 2.760

Nếu vết thương không chảy máu, không dẫn tới gãy chân, cầu thủ sẽ được các nhân viên y tế xịt một loại thuốc giúp giảm đau được gọi là "bình xịt ma thuật".

Xuyên suốt các giải đấu bóng đá, chúng ta thường bắt gặp hình ảnh quen thuộc: Khi cầu thủ bị đau sau va chạm, nhân viên y tế sẽ vào sân, nhanh chóng xịt thuốc vào vết thương, giúp các cầu thủ có thể thi đấu bình thường. Loại thuốc này là gì?

Nếu vết thương không chảy máu, không dẫn tới gãy chân, cầu thủ sẽ được các nhân viên y tế xịt một loại thuốc giúp giảm đau. Tác dụng ngay tức thì khiến người ta vẫn thường gọi đây là “bình xịt ma thuật”.

"Bình xịt ma thuật" được rất nhiều cầu thủ bóng đá sử dụng vì tác dụng nhanh.
"Bình xịt ma thuật" được rất nhiều cầu thủ bóng đá sử dụng vì tác dụng nhanh.

Bình xịt ma thuật từng được xem là phát minh thần kỳ của bóng đá chuyên nghiệp. Bác sĩ Benjamin Richardson là cha đẻ của loại bình xịt này với mục đích ban đầu là sử dụng nó như một loại thuốc gây mê.

Bình xịt này chứa CO2 lạnh và Etyl clorua. CO2 lạnh có tác dụng gây tê, làm mát vết thương trong khi Etyl clorua là chất làm lạnh da, khiến phần da được xịt bị tê khi tiếp xúc.

Nguyên lý hoạt động của nó cũng tương tự khi ta cầm một viên đá trên tay. Phần da tay bị tê sẽ khiến ta mất đi cảm giác ở đó. Các dây thần kinh cảm nhận sẽ không phát hiện được nỗi đau nên không truyền được cảm giác đau lên não.

Một số chuyên gia tin rằng bên cạnh tác dụng gây tê, bình xịt cũng có tác động tâm lý tích cực đối với các cầu thủ. Vết thương bớt đau sẽ kích thích các cầu thủ thi đấu trong trạng thái hưng phấn hơn.

Cách lý tưởng nhất khi sử dụng loại thuốc này là xịt cách vết thương 30cm. Đặc biệt, không xịt lên vết thương hở bởi điều này có thể gây bỏng da và dẫn đến các kích ứng khác.

Tuy nhiên, tiến sĩ Margit Rudolf, một chuyên gia chỉnh hình và chuyên gia y học thể thao tại Đại học Otto von Guericke cảnh báo không phải lúc nào bình xịt ma thuật cũng là lựa chọn lý tưởng giúp đóng băng vết thương.

Theo ông Rudolf, nhân viên y tế có thể làm mát vết thương bằng túi nước đá, nhưng bình xịt làm lạnh nhanh hơn, do đó tiềm ẩn nhiều nguy hiểm hơn. Vì vậy, các chuyên gia cho rằng vận động viên không nên lạm dụng bình xịt này để tránh dẫn đến biến chứng nguy hiểm.

Không chỉ có các cầu thủ bóng đá, nhiều vận động viên cũng tìm tới bình xịt này để làm giảm cơn đau trong khoảng thời gian ngắn khi thi đấu. "Một túi nước đá đôi khi sẽ tốt hơn”, ông Rudolf nói.

Cập nhật: 09/12/2019 Theo Zing
  • 3,84
  • 2.760