Cấu trúc hình đĩa “không giải thích được” hiện ra từ sao Chức Nữ

  •  
  • 455

Ở nơi cách Trái đất chỉ 25 năm ánh sáng, thứ đang bao vây lấy sao Chức Nữ có thể đảo lộn hiểu biết về cách các thế giới ngoài hành tinh hình thành.

Kính viễn vọng không gian James Webb đã chụp được một đĩa mảnh vỡ vũ trụ mịn đến kỳ lạ xung quanh Vega (Chức Nữ), một ngôi sao siêu sáng màu xanh lam, sáng nhất trong chòm Thiên Cầm.

Đó là một đĩa tiền hành tinh to lớn, giống như đĩa tiền hành tinh của hệ Mặt trời sơ khai, nơi Trái đất và các hành tinh khác đã ra đời.

Tuy nhiên, đĩa tiền hành tinh của Chức Nữ lại mang những đặc điểm mà các nhà khoa học mô tả là "không thể giải thích được".

Xung quanh sao Chức Nữ là một đĩa tiền hành tinh mịn đến vô lý
Xung quanh sao Chức Nữ là một đĩa tiền hành tinh mịn đến vô lý - (Ảnh đồ họa: ĐẠI HỌC ARIZONA).

Nhóm nghiên cứu từ Đài quan sát Steward - Viện Khoa học mặt trăng và hành tinh thuộc Đại học Arizona, Viện Khoa học vũ trụ, Phòng thí nghiệm Sức đẩy phản lực của NASA (Mỹ) và Đại học Trinity Dublin (Ireland) đã nghiên cứu cấu trúc kỳ lạ trên.

Các đĩa tiền hành tinh đáng lẽ phải có những khoảng trống, chính là nơi khí bụi kết tụ lại thành các hành tinh.

Nhưng theo TS Andras Gáspár từ Đại học Arizona, đĩa của Chức Nữ trơn tru đến kỳ lạ, điều cho thấy không có hành tinh nào tồn tại xung quanh nó.

Có một dải mờ nhỏ cách ngôi sao khoảng 60 đơn vị thiên văn (AU, 1 AU bằng với khoảng cách Mặt trời - Trái đất).

Tuy nhiên khi xem xét kỹ, đó chỉ là kết quả của một ít đá bụi bị thổi bay xa hơn do bức xạ, chứ không phải do một hành tinh đang hoài thai.

Chức Nữ tuy trẻ hơn Mặt trời nhiều - nó mới khoảng 455 triệu tuổi - nhưng cũng đã đủ tuổi để sinh ra hành tinh. Ví dụ, Trái đất của chúng ta ước tính chỉ trẻ hơn Mặt trời chưa đầy 10 triệu tuổi.

Nếu so sánh Chức Nữ với Fomalhaut, một ngôi sao trẻ hơn một chút, sự vô lý của chiếc đĩa mịn càng thấy rõ hơn.

Fomalhaut là phiên bản tương đồng hoàn hảo với Chức Nữ, cũng là loại sao màu xanh trắng siêu sáng, với một khoảng trống lớn trong đĩa tiền hành tinh cho thấy một hành tinh khổng lồ hoặc vài hành tinh nhỏ đã được sinh ra.

Các nhà nghiên cứu không thể giải thích tại sao Vega không thể sinh ra các ngoại hành tinh còn Fomalhaut dường như có thể, mặc dù các cơ chế vật lý giống nhau được cho là cùng tồn tại trong cả 2 hệ sao.

Các nhà nghiên cứu đã đưa ra nhiều kịch bản, nhưng không có cái nào lý giải được việc sao Chức Nữ không thể sinh ra hành tinh.

Các nhà nghiên cứu cũng tự hỏi liệu có thể tìm thấy nhiều đĩa không hình thành ngoại hành tinh siêu mịn như vậy trong vũ trụ hay không.

Nếu chúng tồn tại phổ biến, các tính toán liên quan đến số hành tinh có thể tồn tại trong thiên hà hay trong vũ trụ có thể bị thay đổi sâu sắc.

"Điều này khiến chúng ta phải suy nghĩ lại về phạm vi và sự đa dạng giữa các hệ thống ngoại hành tinh" - TS Kate Su từ Đại học Arizona kết luận.

Cập nhật: 09/11/2024 NLĐ
  • 455