Cha đẻ thuyết tiến hóa từng có thời sinh viên vương giả

  •  
  • 1.964

Với gần chục người giúp đánh giày, dọn giường, giặt quần áo và nhóm lò sưởi, cuộc sống trong quãng thời gian đi học của Charles Darwin là thứ mà sinh viên ngày nay chỉ có thể mơ ước. 

Chân dung của Darwin khi ông còn trẻ. Ảnh: shimer.edu.


Hai trăm năm sau ngày sinh của cha đẻ thuyết tiến hóa, các học giả vừa phát hiện nhiều thông tin mới về cuộc sống sung túc của Charles Darwin tại Đại học Cambridge trước khi ông thực hiện cuộc phiêu lưu 5 năm trên biển. Chuyến đi đó đã thay đổi cách nhìn nhận thế giới của cộng đồng khoa học.

Người ta đã tìm thấy 6 cuốn sổ kế toán bọc da liên quan tới Darwin trong kho lưu trữ của Đại học Cambridge. Theo những cuốn sổ này thì ông sống tại một trong những căn phòng đắt tiền nhất ký túc xá từ năm 1828 tới 1831. Ông thuê một số người làm những công việc hàng ngày, trong đó có một người rửa bát, một thợ giặt và một thợ đánh giày.

Một thợ may, một thợ làm mũ và một thợ cắt tóc đảm nhận việc chăm sóc bề ngoài của Darwin. Lò sưởi của ông cũng có tới hai người phụ trách gồm một thợ quét ống khói và một người chuyên chất củi vào lò.

Tiến sĩ John van Wyhe, giảng viên Đại học Cambridge, nói rằng người ta biết rất ít về cuộc sống sinh viên của Darwin. “Thật tuyệt vời khi chúng ta biết được những thông tin về phần đời của Darwin khi ông còn là một sinh viên. Đó là những thông tin cực kỳ chi tiết”,
ông nói.

Các hóa đơn cho thấy, trong 3 năm theo học tại Đại học Cambridge, mức chi lớn nhất của cha đẻ thuyết tiến hóa trong một tháng là 636 bảng. Nhìn chung mức chi tiêu của Darwin tương đương với đa số sinh viên tại Cambridge trong thế kỷ 19. Bác sĩ Robert Darwin, người cha giàu có của ông, thanh toán tất cả hóa đơn. Về sau Darwin mô tả thời sinh viên là “quãng thời gian sung sướng nhất của đời tôi”.

“Vào thế kỷ 19 Đại học Cambridge thu hút nhiều thanh niên thuộc tầng lớp trên của xã hội và họ hưởng thụ cuộc sống khá sung túc tại trường. Nếu nhìn vào các cuốn sổ kế toán, bạn có thể thấy không chỉ Darwin có cuộc sống xa hoa, mà gần như toàn bộ vài trăm sinh viên thời đó cũng vậy”,
van Wyhe nói.

Ngoài những người giúp việc mà Darwin bỏ tiền ra thuê, ông còn nhận được sự phục vụ của “gyp” – biệt danh dành cho người hầu của trường. Van Wyhe nhận xét rằng, với hàng chục người phục vụ và chỉ phải lên lớp hai giờ mỗi sáng, sinh viên của Đại học Cambridge thời đó có rất nhiều thời gian để tự học và giao tiếp xã hội.

“Darwin đã săn bắn, sưu tầm côn trùng, thực hiện các nghiên cứu khoa học hoặc thăm viếng bạn bè trong thời gian rỗi. Họ chơi bài, uống rượu vào ban đêm – những việc mà sinh viên thời đó thường làm”, van Wyhe cho biết.

Sau khi rời Đại học Cambridge, Darwin đã lên tàu tới Nam Mỹ và Australia, nơi ông cho ra đời các học thuyết về tiến hóa. Tất cả học thuyết của ông được tập hợp trong cuốn sách “Nguồn gốc của muôn loài”.

Theo VnExpress (Reuters)
  • 1.964