Báo cáo của Cơ quan Thống kê châu Âu (Eurostat) công bố ngày 10/3, cho biết Liên minh châu Âu (EU) đã đạt được bước tiến vững chắc hướng tới mục tiêu đến năm 2020, các nguồn năng lượng tái tạo sẽ chiếm 20% tổng mức năng lượng tiêu thụ của toàn châu lục.
Năm 2012, tỷ lệ năng lượng tái tạo trong tổng năng lượng tiêu thụ đạt 14,1%, tăng so với 13% của năm trước đó.
Dẫn đầu EU trong lĩnh vực này là Thụy Điển, Latvia và Phần Lan. Trong lúc nước Anh, Hà Lan cùng với Luxembourg và Malta tỏ ra "tụt hậu", khi tỷ lệ năng lượng tái tạo của bốn quốc gia trên lần lượt chỉ là 4,2%, 4,5%, 3,1% và 1,4% tổng mức tiêu thụ năng lượng.
Khi việc tiêu thụ năng lượng tái tạo bắt đầu được đặt ra vào năm 2004, mức tiêu thụ điện gió, điện Mặt Trời, thủy điện, địa nhiệt và sinh khối (biomass)... trên toàn EU chỉ chiếm 8,3%. Năng lượng tái tạo được sản xuất và tiêu thụ mạnh nhất vào khoảng năm 2004 và 2012 với các quốc gia đi đầu là Thụy Điển, Đan Mạch và Áo. Tại Pháp, cũng ghi nhận được nỗ lực rất lớn khi trong vòng 8 năm qua, tỷ lệ năng lượng tái tạo của nước này đã tăng từ 9,3% lên 13,4%.
Ủy ban châu Âu (EC) khẳng định rằng EU sẽ đạt được mục tiêu tổng thể là tới năm 2020, tỷ lệ năng lượng tái tạo chiếm 20% tổng mức tiêu thụ năng lượng, giảm 20% lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính và tiết kiệm 20% mức tiêu thụ năng lượng như những nỗ lực nhằm giúp ngăn chặn hiện tượng Trái Đất nóng lên.
Trong khi đó, về phần mình, EC hướng tới giảm lượng khí thải xuống còn 40% so với năm 1990, bên cạnh việc tăng tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo lên 27% và tiết kiệm 25% mức tiêu thụ năng lượng.