Theo kết quả một nghiên cứu đăng trên tạp chí khoa học US journal Proceedings of the National Academy of Sciences (PNAS) của Mỹ ngày 23/7, các nhà khoa học Thụy Sĩ đã lần đầu tiên chế tạo được con chip mô phỏng cách thức mà não bộ của con người xử lý thông tin.
Các nhà khoa học thuộc trường Đại học Zurich và các đồng nghiệp ở Đức và Mỹ đã chế tạo được một thiết bị điện tử có thể so sánh với bộ não của con người cả về kích thước, tốc độ xử lý thông tin và mức tiêu hao năng lượng.
Giống như bộ não của con người, con chip mô phỏng hệ thần kinh này có khả năng phản ứng và xử lý thông tin nhanh.
Ảnh minh họa: hplusmagazine.com
Theo giáo sư Khoa tin học thần kinh Giacomo Indiveri của Đại học Zurich, thành viên của nhóm nghiên cứu, khi sử dụng các con chip mô phỏng hệ thần kinh như những nơron thần kinh nhân tạo, các nhà khoa học đã chế tạo được mạng lưới có thể thực hiện các nhiệm vụ đòi hỏi phải có khả năng ghi nhớ, phân tích và ra quyết định nhanh chóng. Đây là bước tiến mới trong việc chế tạo các thiết bị điện tử.
Ông Indiveri cho biết trong tương lai, công nghệ này sẽ trở thành một công cụ hữu dụng, cho phép các robot có thể tự động định hướng trong môi trường và có khả năng tồn tại mà không cần con người điều khiển.
Công nghệ này có thể sẽ giúp máy tính hoạt động bình thường khi có những bộ phận bị trục trặc, giống như bộ não của con người tiếp tục hoạt động không ngừng nghỉ, khi mà hàng triệu nơron thần kinh bị mất đi mỗi ngày.
Bên cạnh đó, công nghệ này cũng sẽ giúp các loại điện thoại thông minh ngày càng trở nên thông minh hơn.