Được biết với tên gọi Lightsaber, thanh gươm ánh sáng là vũ khí cận chiến gắn liền với những hiệp sĩ trong bộ phim nhiều tập đình đám “Chiến tranh giữa các vì sao” (Star Wars).
Lightsaber vẫn là một loại vũ khí viễn tưởng cho tới khi một kỹ sư người Canada, cũng là một YouTuber có tên James Hobson với biệt danh “Thợ rèn” biến nó thành sự thật.
Kênh YouTube của Hobson có tên “The Hacksmith” (Thợ rèn) hiện có hơn 10 triệu người đăng ký, trong đó anh đăng tải các vật phẩm khoa học viễn tưởng phổ biến trở thành hiện thực. Dự án mới nhất của anh lấy cảm hứng từ bộ phim “Chiến tranh giữa các vì sao” nổi tiếng với thanh gươm ánh sáng là điểm nhấn.
Trong một đoạn clip đưa ra vào tháng 12 năm ngoái, anh công bố phiên bản ban đầu của thanh gươm ánh sáng. Đáng chú ý là phiên bản đầu này được kết nối với một bộ nguồn bên ngoài vì thiếu công nghệ, khiến khung thời gian hoạt động cũng như tính di động cho người dùng bị hạn chế. Cuối cùng, bằng cách sử dụng một khối pin đeo sau lưng người dùng, Hobson và những người bạn đã tìm ra cách có đủ năng lượng để tạo ra thanh gươm thật có thể cấp đủ điện cho một nửa hộ gia đình trung bình ở Mỹ.
Thanh gươm ánh sáng trong bộ phim “Chiến tranh giũa các vì sao”. (Ảnh: ITN)
Đây là thanh gươm có thể thu gọn lại dựa trên plasma đầu tiên trên thế giới mà Hobson đã dùng khí propan cung cấp năng lượng, khiến nó cháy ở nhiệt độ 4.000 độ C và có khả năng cắt được cả thép tấm. Mặc dù có thể gặp phải những thách thức khi làm thanh gươm ánh sáng nhưng họ đã thành công.
Hobson thậm chí còn chứng minh trên video của mình khả năng phá hủy của thanh gươm bằng cách dùng nó để đốt cháy xuyên qua các vật khác nhau. Tuy nhiên, do đây chỉ là hình dạng thanh kiếm cổ phát sáng, anh và bạn bè quyết định tạo ra thanh kiếm phát sáng mang tính biểu tượng và có thể thu gọn được từng nổi tiếng trong bộ phim “Chiến tranh giữa các vì sao”.
Theo hãng tin MailOnline, Hobson và bạn bè đã tìm thấy một giải pháp thay thế bằng cách sử dụng khí propan để trong một chiếc ba lô được thiết kế riêng đi kèm với thanh gươm cùng với một chiếc ống. Khí propan được trộn với oxy, biến nó thành chùm ánh sáng quá nhiệt trong dòng chảy tầng vốn có tác dụng giúp cho chất lỏng chảy trơn tru.
“Chúng tôi cần một loạt các vòi phun dòng chảy tầng để tạo ra dòng khí tập trung cao, tạo ra chùm tia plasma” – Hobson nói. Những vòi phun như vậy đã tồn tại trong ngành công nghiệp chuyên biệt, chẳng hạn như thổi thủy tinh, giúp nhóm tiết kiệm được chi phí và khó khăn khi phải làm lại từ đầu.
Không giống như những nỗ lực trước đây nhằm tạo ra thanh gươm ánh sáng ngoài đời thực vốn phải dùng tới một thanh kim loại làm lõi, thanh gươm mới này hoàn toàn có thể thu vào được và vẫn có thể cắt xuyên qua các vật liệu cứng như thép tấm. Đặc biệt, từ màu trắng ban đầu, chùm khí cũng có thể thay đổi màu sắc khi được thêm vào các chất hóa học khác nhau. Đây là một phiên bản của thí nghiệm phổ biến tại trường học, trong đó liên quan đến việc đốt cháy các muối kim loại rắn.
Các kim loại khác nhau giải phóng những ion với lượng năng lượng khác nhau, tương ứng với một màu cụ thể. Ví dụ, khi thêm natri clorua (muối ăn), chùm tia này có màu vàng, tương tự với màu thanh gươm mà nhân vật Rey sử dụng trong phần “The Rise of Skywalker” của phim “Chiến tranh giữa các vì sao”, trong khi đó canxi clorua biến nó thành màu hổ phách.
Trong phim, thanh gươm Lightsaber có phần lưỡi kiếm được tạo ra bởi một luồng năng lượng plasma tinh khiết với màu sắc đa dạng, còn phần chuôi kiếm được thiết kế theo sở thích của người dùng. Bên trong chuôi kiếm có chứa nguồn điện Diatium với công dụng phát ra năng lượng và chuyển thành lồng plasma nhờ những loại đá quý ẩn chứa sức mạnh đặc biệt. Bao quanh nguồn Diatium này là một lớp vật chất trơ nhằm ngăn chặn năng lượng bị rò rỉ ra ngoài và để cách nhiệt, bảo vệ tay người cầm.
Sau khi năng lượng Diatium được chuyển thành plasma, một hệ thống các thấu kính sẽ giúp khuếch đại năng lượng và tạo ra lưỡi gươm ánh sáng với các màu sắc, tính chất, sức mạnh khác nhau. Đặc biệt, nó có thể cắt được hầu hết vật chất nhờ nhiệt độ cực lớn. Những vết thương do Lightsaber gây ra thường không chảy máu vì nhiệt độ từ thanh gươm đã đốt cháy vết thương rồi.
Ngày nay, việc chế tạo một thanh gươm ánh sáng mà không có ba lô đựng năng lượng kèm theo vẫn là điều không thể, do thiếu pin phù hợp để lưu trữ năng lượng cung cấp cho đèn chiếu sáng vốn đòi hỏi loại pin cỡ D để có thể sản sinh ra nhiều năng lượng hơn so với một nhà máy điện hạt nhân. Hobson cho biết: “Vấn đề là tạo ra một trường điện từ đủ mạnh để bao phủ cả lưỡi gươm và thanh gươm ánh sáng sẽ phải được chế tạo theo đúng nghĩa đen ở bên trong một chiếc hộp phủ nam châm điện. Tuy nhiên, những điều này biến nó trở thành một dự án khoa học vô dụng”.