Chiếc áo thun này có thể đánh lừa hệ thống đọc biển số tự động

  •  
  • 930

Trong tương lai, nơi mọi thứ bị giám sát bởi các thuật toán thị giác máy tính, thì ngay cả những họa tiết trên quần áo của chúng ta cũng có thể được tận dụng để đánh lừa các hệ thống đó.

Chuyên gia bảo mật số và đồng thời là nhà thiết kế thời trang Kate Rose không chỉ thiết kế các họa tiết trên vải. Cô còn tìm cách "quậy phá" cơ sở dữ liệu thu thập bởi các hệ thống đọc biển số tự động bằng cách tạo ra những chiếc áo thun phủ đầy hình ảnh của những tấm biển số giả.

Nếu bạn từng nhận được một tấm vé phạt trong hộp thư của mình - đôi lúc còn kèm theo một tấm ảnh chụp xe của bạn với chính bạn và các hành khách khác trên xe đang ngây ra ở hàng ghế trước - thì có khả năng xe của bạn đã gặp phải một hệ thống đọc biển số tự động (Automatic License Plate Reader, viết tắt là ALPR).

Giống như nhiều công nghệ giám sát được triển khai tại các thành phố ở Mỹ, ALPR hiện diện ở khắp nơi, hoạt động 24/7, luôn trong trạng thái sẵn sàng tóm gọn mọi chiếc xe chạy ngang qua nó. Chúng được gắn trên nhiều thứ, từ các trạm điện thoại công cộng đến các xe cảnh sát, nhưng chúng không chỉ là những camera bắn tốc độ thông thường. ALPR là những hệ thống thuộc sở hữu tư nhân có khả năng chụp mọi thứ có hình dạng tương tự một biến số xe hiện diện trong phạm vi quan sát của chúng và thường thì mỗi phút, chúng có thể thu thập được đến 1.000 hình ảnh biển số. Trong quá trình bạn lái xe, hoặc đi nhờ xe ai đó, những hệ thống như vậy sẽ đọc biển số của phương tiện và thu thập dữ liệu vị trí GPS kèm thông tin đăng ký của nó, cũng như ngày giờ nó đi ngang qua.

Theo tổ chức Electronic Frontier Foundation, ALPR không đơn thuần là công nghệ dùng để giải quyết các trường hợp phạm tội theo như miêu tả của cơ quan hành pháp lẫn các nhà sản xuất; chúng còn là những hệ thống giám sát với độ chi tiết cao, cho phép cảnh sát có thể theo dõi mọi người khi họ đi đến và rời khỏi những địa điểm nhạy cảm như các trung tâm cai nghiện và các phòng khám nhập cư.

Áo thun biển số xe
Hệ thống sẽ cắt một phần của bức hình chụp được và chạy nó qua một cơ sở dữ liệu để so sánh với bộ dữ liệu huấn luyện gồm các mẫu biển số xe.

Nhưng dù là những công nghệ cực kỳ tiên tiến, chúng vẫn dễ dàng bị đánh lừa bởi các họa tiết và hình ảnh trông hao hao các biển số xe thật. "Khi một ALPR nhìn quanh, nó tìm thứ gì đó trong phạm vi quan sát có hình chữ nhật hoặc có chứa một dãy các ký tự với nội dung cho biết nó là một tấm biển số" - Rose nói. Hệ thống sẽ cắt một phần của bức hình chụp được và chạy nó qua một cơ sở dữ liệu để so sánh với bộ dữ liệu huấn luyện gồm các mẫu biển số xe. Nếu hệ thống xác định đó đúng là một tấm biển số, nó sẽ sử dụng chức năng nhận diện ký tự quang học (OCR) để đọc, ghi nhận, và lưu lại biển số đó, cùng với vị trí GPS nơi chụp được biển số và thời điểm đã chụp.

Thiết kế áo thun của Rose có thể can thiệp vào quá trình này. Cô đã phát triển và thử nghiệm những họa tiết lặp lại trên quần áo của mình sao cho chúng trông giống một tấm biển số thật nhất có thể, để hệ thống ALPR bị đánh lừa và lưu lại hình ảnh về nó như một tấm biển số thật. "Bằng cách mặc những chiếc áo thiết kế này đi trên đường, bạn sẽ 'góp sức' đưa dữ liệu rác vào các hệ thống giám sát, trên quy mô rộng sẽ khiến nó kém hữu dụng hơn, và chi phí sử dụng trở nên đắt đỏ hơn. Tôi nghĩ việc thử nghiệm những phương thức qua mặt các hệ thống giám sát theo mọi cách có thể là rất quan trọng, và tôi thích sử dụng quần áo làm thứ đầu tiên để thử".

Rose đã trình bày kết quả của mình trong một buổi nói chuyện tại DEF CON năm nay - một hội thảo về hack được diễn ra thường niên ở Las Vegas. Năm nay, số lượng nữ giới tham gia DEF CON tăng 10% so với năm ngoái, và có khá nhiều buổi hội thảo, các bài thuyết trình, các cuộc họp diễn ra với thành phần chỉ toàn nữ giới hoặc các giới tính thứ 3 - dù rằng tư tưởng xem thường phụ nữ ở DEF CON vẫn lảng vảng đâu đây.

"Hacking về cơ bản là dân chủ hóa và làm sáng tỏ những hệ thống và thiết bị mà chúng ta đang sử dụng, giúp lẫn nhau biết rằng chúng ta đủ thông minh để phân tích và chơi đùa với chúng, và tái áp dụng chúng theo những điều mà bạn nghĩ là ý tưởng hay" - cô nói.

Cập nhật: 20/08/2019 Theo Trí Thức Trẻ
  • 930