Chim choắt lập kỷ lục bay 13.560km liên tục

  •  
  • 426

Một con chim choắt gắn thẻ theo dõi đã lập kỷ lục thế giới về chuyến bay dài nhất từng được ghi nhận ở các loài chim.

Theo Earth Sky đưa tin hôm 27/10, "kỷ lục gia" là một con chim non mới 5 tháng tuổi thuộc loài Limosa lapponica, còn được gọi là choắt mỏ thẳng đuôi vằn. Nó đã bay không ngừng từ Alaska đến vịnh Ansons ở Tasmania trong 11 ngày, từ hôm 13/10 đến 24/10, vượt hành trình dài 13.560km.

Choắt mỏ thẳng đuôi vằn là một loài chim lội nước thuộc họ Dẽ.
Choắt mỏ thẳng đuôi vằn là một loài chim lội nước thuộc họ Dẽ. (Ảnh: Featherbase)

Các nhà khoa học đã theo dõi con vật khi nó băng qua các hòn đảo khác nhau ở Thái Bình Dương, bao gồm cả Vanuatu và New Caledonia, nhưng nó không nghỉ chân ở bất kỳ địa điểm nào.

Kỷ lục trước đó về chuyến bay dài nhất ở chim cũng do một con choắt mỏ thẳng đuôi vằn xác lập vào năm ngoái. Trong năm đó, một cá thể chim đực thuộc loài này - có mã gắn thẻ là 4BBRW - đã bay từ Alaska đến New Zealand với tổng quãng đường 13.050 km.

Chuyên gia Eric Woehler từ tổ chức bảo tồn Birdlife Tasmania cho biết những chuyến bay dài như vậy là "đặc biệt rủi ro" với choắt mỏ thẳng đuôi vằn vì loài này không có khả năng hạ cánh trên mặt nước.

"Nếu một con choắt mỏ thẳng đuôi vằn rơi xuống nước, nó sẽ chết. Loài này không có màng ở chân nên không có cách nào để thoát khỏi mặt nước", Woehler giải thích.

Do không thể nghỉ ngơi để kiếm thức ăn và nước uống, chuyên gia ước tính con chim đã mất ít nhất một nửa trọng lượng cơ thể trong chuyến bay kỷ lục của nó.

Tuy nhiên, choắt mỏ thẳng đuôi vằn có một "biệt tài" cho phép chúng vượt đại dương. Loài này có thể thu nhỏ 25% các cơ quan nội tạng như gan, thận và đường tiêu hóa để tạo thêm không gian cho việc tích trữ chất béo. Khi kết thúc hành trình, chúng có thể trở về kích thước ban đầu.

Cập nhật: 29/10/2022 VnExpress
  • 426