Chim khổng lồ bay như thế nào?

  •  
  • 2.173

Với sải cách hơn 6 mét, một con kền kền có kích cỡ bằng chiếc máy bay Cessna phải nhờ tới cú lượn đến hơn 60 km/giờ để bay trên đồng bằng Argentina 6 triệu năm trước.

Các nhà khoa học từ lâu đã biết rằng chim cổ đại có thể bay được. Nhưng họ không rõ liệu Argentavis magnificens, loài chim lớn nhất từng có mặt trên bầu trời, vỗ cánh hay chỉ đơn giản là lượn.

Giờ đây, nhờ các mô hình máy tính dựa trên xương thạch của loài chim này, các nhà khoa học đã tiết lộ rằng chỉ vỗ cánh thôi thì không sinh đủ lực để giữ cho con chim nặng 68 kg ở trên không. Thay vào đó, chúng ắt hẳn phải lượn trên những luồng khí đang bốc từ mặt đất lên cao.  

Nghiên cứu do Sankar Chatterjee từ Bảo tàng Đại học công nghệ Texas, Mỹ, và cộng sự thực hiện. Giống như nhiều loài chim đất liền ngày nay, Argentavis có thể đã nhảy nhót trên những luồng khí bốc lên như vậy, và giúp chúng hạn chế việc vỗ cánh.

Kích cỡ tối đa có thể bay

Con chim lớn nhất thế giới biết bay (Argentavis magnificens) với sải cánh hơn 6 mét phải nhờ đến các dòng khí nâng để lượn trên bầu trời Argentina 6 triệu năm trước. (Ảnh: LiveScience)

Với sự giúp đỡ của những luồng khí nâng, ngay cả nếu Argentavis có to lớn hơn nữa, thì nó vẫn sẽ là một tay lượn chuyên nghiệp. Nhưng không có loài chim biết bay nào được tìm thấy lớn hơn Argentavis, và các nhà khoa học cho rằng họ đã biết vì sao: "Vấn đề duy nhất là làm thế nào để nhấc mình khỏi mặt đất".

Cất cánh và hạ cánh là nhiệm vụ gian khổ nhất với các loài chim cỡ lớn. Con vật khổng lồ này có lẽ đã có được lực nâng đủ để bay lên nhờ vào việc chạy xuống dốc hoặc cất cánh từ trên một độ cao, trong khi có gió.

Ngay cả với những mẹo này, thì theo các nhà khoa học, Argentavis vẫn là kích cỡ tối đa để có thể cất cánh. Bất cứ con chim nào lớn hơn đều sẽ chỉ chạy trên mặt đất mà thôi.

"Đó có thể là lý do vì sao chúng ta không nhìn thấy bất kỳ loài chim bay nào ngày nay có kích cỡ của một chiếc máy bay chở khách", Chatterjee nói.

T. An

Theo LiveScience, Vnexpress
  • 2.173