Archaeopteryx, tức chim thủy tổ, lâu nay được cho là loài chim có mặt sớm nhất trên trái đất, có thể không phải là... chim.
Theo báo Guardian, tuyên bố của các nhà khoa học Trung Quốc, nếu được xác nhận, sẽ gây rúng động giới nghiên cứu quốc tế - những người đã xem sự tiến hóa của loài chim và việc bay bằng lông vũ qua lăng kính của loài Archaeopteryx cách đây 150 triệu năm.
Archaeopteryx được phát hiện vào năm 1861, 2 năm sau khi Charles Darwin trình làng cuốn sách nổi tiếng Về nguồn gốc các loài. Hóa thạch của một động vật mà cánh phủ lông vũ của chim nhưng răng và đuôi của một con khủng long đã gây xôn xao nước Anh thời Nữ hoàng Victoria. Dù còn nhiều tranh cãi, nhưng Archaeopteryx vẫn được xem là thủy tổ của các loài chim.
Mô hình Archaeopteryx ở Bảo tàng Đại học Oxford
Tuy nhiên, quan điểm này đang bị thách thức bởi các nhà nghiên cứu Trung Quốc, những người nói rằng Archaeopteryx có thể không phải là loài chim nguyên thủy nhất mà chỉ là một loài khủng long khác. Chuyên gia Xing Xu thuộc Đại học Linyi ở tỉnh Sơn Đông nói rằng hóa thạch cỡ bằng con gà có tên gọi Xiaotingia zhengi được tìm thấy ở khu vực Tiaojishan, miền đông Trung Quốc, có nhiều đặc điểm giống Archaeopteryx, bao gồm những chân trước dài và chắc khỏe có vẻ như để giúp nó bay.
Khi Xu và các cộng sự tái lập cây phả hệ để tìm một chỗ cho Xiaotingia zhengi, họ phát hiện con vật này không thuộc một giống chim nào mà thuộc một nhóm khủng long có tên gọi deinonychosaur, vốn là loài đi bằng 2 chân và không bay. Điều quan trọng hơn cả là Archaeopteryx có vẻ như cũng thuộc nhóm này.
Dù phát hiện trên chưa được khẳng định chắc chắn, nhưng nó góp phần củng cố lý lẽ của những người nghi ngờ về "tư cách" của Archaeopteryx tiếp sau việc phát hiện những con khủng long giống chim hoặc chim giống khủng long trong 10 năm qua.