Thái Lan mất 404 triệu USD mỗi năm vì ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp của béo phì.
Thái Lan hiện nay đang phải đối mặt với tình trạng gia tăng tỷ lệ béo phì. Đi kèm với đó, chi phí chăm sóc sức khỏe cũng phình ra cùng vòng eo của người dân. Để giải quyết tình hình, chính phủ Thái Lan vừa ban hành thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào các nhà sản xuất nước ngọt, ép họ phải giảm hàm lượng đường trong các sản phẩm.
Việc sô cô la và nước ngọt tăng giá không chỉ khiến cho những người yêu thích đồ ngọt ở Thái Lan phàn nàn. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ, thuế tiêu thụ đặc biệt có khả năng tác động tới 9 triệu USD kim ngạch xuất khẩu của nước này. Báo cáo trích dẫn các dự báo từ nhiều công ty của Mỹ như Coca-Cola và PepsiCo, cho thấy một số loại đồ uống có thể bị đánh mức thuế cao hơn từ 20-30%.
Chính phủ Thái Lan bắt đầu tăng thuế đối với nước giải khát có hàm lượng đường cao vào ngày 16 tháng 9. Mức thuế này sẽ tiếp tục được tăng lên theo từng giai đoạn cho đến hết 6 năm tới.
Chính phủ Thái Lan đề xuất, và đánh thuế thêm vào những loại đồ uống có chứa nhiều hơn 6 gam đường/100ml.
Trước đây, đồ uống có đường nhập khẩu được áp thuế tiêu thụ đặc biệt ở mức 20% giá bán buôn. Bây giờ, chính phủ Thái Lan đã điều chỉnh nó thành 14% giá bán lẻ đề xuất, và đánh thuế thêm vào những loại đồ uống có chứa nhiều hơn 6 gam đường/100 ml.
Với sự thay đổi này, thuế đối với nước ép hoa quả tăng trong khoảng từ 0,06 baht đến 0,54 baht (tương đương 42 VND đến 276 VND) mỗi chai. Nước tăng lực có mức thuế tăng giữa 0,32 baht đến 0,9 baht (tương đương 223 VND đến 626 VND).
Mặt hàng trà và cà phê bị ảnh hưởng nặng nhất, bởi trước đây được chính phủ Thái Lan miễn thuế. Bây giờ, mức thuế trên các mặt hàng này đều tăng từ 1 bath đến 2 bath/sản phẩm (tương đương 696 VND – 1391 VND).
Béo phì là một mối quan tâm chung tại các quốc gia Đông Nam Á. Singapore đã yêu cầu các nhà sản xuất nước giải khát, bao gồm cả Coca-Cola, cam kết giảm lượng đường tối đa trong các sản phẩm bán tại Singapore xuống mức 12% vào năm 2020.
Indonexia cũng có kế hoạch ban hành luật vào năm tới nhằm giảm hàm lượng đường, muối và chất béo trong thực phẩm. Malaysia bãi bỏ một trợ cấp ưu tiên dành cho đường vào năm 2013.
Bộ Tài chính Thái Lan ước tính thuế đường sẽ giúp tăng nguồn thu ngân sách 2,5 tỷ baht (tương đương 1739 tỷ NVD) mỗi năm. Thuế tiêu thụ đặc biệt cao nhất cho các mặt hàng ở Thái Lan đang ở mức 30%. Chính phủ đang cố gắng khuyến khích các nhà sản xuất nước giải khát điều chỉnh các dòng sản phẩm của mình. Theo đó, Thái Lan sẽ cam kết giữ mức thuế suất cho đồ uống có hàm lượng đường thấp trong hai năm đầu sau khi ban hành.
Trên thị trường chứng khoán, thuế đường mới đã ảnh hưởng tới cổ phiếu của các nhà sản xuất nước giải khát lớn. Ngay sau khi kế hoạch được công bố vào tháng 6, cổ phiếu các công ty như Oishi Group, Ichitan Group và Carabao Group đã giảm.
Đất nước Chùa Vàng đang phải đối mặt với tỷ lệ béo phì gia tăng.
Người Thái Lan thích đồ ngọt. Ông Tan Passakornnatee, Tổng giám đốc công ty sản xuất trà xanh Ichitan, cho biết người lao động ở Thái Lan muốn uống các loại trà ngọt, họ không thích trà không đường.
Tuy nhiên, tình trạng béo phì đang gia tăng ở Thái Lan này khi ngày càng có nhiều người làm việc văn phòng và ít vận động hơn. Theo một cuộc khảo sát của Tổ chức Thương mại Thế giới, 26% nam giới và 33% phụ nữ ở Thái Lan bị béo phì vào năm 2014, tăng 7-8% so với năm 2004.
Vào tháng 3, Ngân hàng Phát triển Châu Á đã ban hành một báo cáo ước tính chi phí tiêu tốn để giải quyết ảnh hưởng của béo phì đối với nền kinh tế Thái Lan. Con số khổng lồ được đưa ra là 404 triệu USD, tương đương 12 tỷ baht mỗi năm.
Trong số những khoản chi phí này, 46%, tương đương 186 triệu USD xuất phát từ chi phí chăm sóc sức khoẻ trực tiếp cho người béo phì. Còn lại 54%, tương tương 218 triệu USD, xuất phát từ chi phí gián tiếp, liên quan đến tỷ lệ tử vong sớm (195 triệu USD, hay 5,86 tỷ baht) và giảm sức lao động (23 triệu USD, hay 694 triệu baht).
Nhiều nước láng giềng với Thái Lan tại Đông Nam Á cũng đang xem xét ban hành các loại thuế tương tự.