Rác trong băng vô cùng nguy hiểm vì khi diện tích băng trôi ngày càng thu hẹp, rác thải vốn nằm trong băng nay sẽ "tung" ra khắp nơi.
Nguồn lợi thủy sản khu vực Bắc Cực vốn nổi tiếng về độ sạch và tươi ngon do sinh sống trong môi trường hoang sơ. Do đó, khi ngày càng có nhiều rác, ngư dân ở các nước Bắc Âu, đặc biệt là Na Uy như ngồi trên đống lửa.
Dễ dàng bắt gặp những mẩu rác thải ở bờ biển Na Uy - (Ảnh: GEIR WING GABRIELSEN).
Theo BBC, giới chuyên gia cho biết họ có thể tìm thấy rác khắp mọi nơi trong vùng biển Bắc Cực - được xem là bãi "tập kết" rác thải đại dương khi những dòng hải lưu thường dẫn rác về nơi này.
Rác thải nhựa ở đây đa dạng từ hình dáng, kích thước và loại hình, nhưng phổ biến nhất là những mẩu của thiết bị đánh cá bị bỏ đi.
Báo cáo tổng hợp từ Viện nghiên cứu Bắc Cực ở Na Uy đưa ra tại hội nghị các biên giới Bắc Cực đặt ra yêu cầu cấp bách cho giới khoa học tăng cường nghiên cứu về ảnh hưởng của rác thải đến Bắc Cực đồng thời đề xuất những giải pháp.
Dù chưa có nghiên cứu đầy đủ nhưng trước mắt các nhà khoa học thấy được một số ảnh hưởng lên động vật ở Bắc Cực, từ sinh vật phù du đến các động vật thân mềm, tôm cá và cả động vật có vú.
Các mẩu rác thải vụn phát hiện trong 1 lít nước biển đóng băng - (Ảnh: ALICE TREVAIL).
Báo cáo ước tính trong trong 1 lít nước biển đóng băng ở Bắc Cực có 234 mảnh vụn rác thải nhựa. Con số này cao hơn nhiều so với những vùng biển bình thường.
Rác trong băng vô cùng nguy hiểm vì khi diện tích băng trôi ngày càng thu hẹp, rác thải vốn nằm trong băng nay sẽ "tung" ra khắp nơi.
Geir Wing Gabrielsen, đồng tác giả báo cáo cho biết: "Chúng tôi ngày càng thấy nhiều rác thải nhựa ở Svalbard (Na Uy), nơi chúng tôi nghiên cứu. Đây cũng là nơi sinh sống của nhiều loài hải âu. Nếu như trong thập niên 1970, chúng tôi chỉ phát hiện một vài mẩu rác thải nhỏ trong dạ dày hải âu thì đến năm 2013 chúng tôi tìm thấy đến 200 mẩu rác nhỏ trong dạ dày chúng".
"Những loài vật khác như tuần lộc cũng bị mắc kẹt trong những tấm lưới trên các bờ biển. Một số đã chết vì không dùng được gạc của mình", Gabrielsen nói thêm.
Chim hải âu chết vì mắc kẹt trong các tấm lưới - (Ảnh: GURI TVEITO).
Bo Eide, nhà tư vấn môi trường cho Hội đồng thành phố Tromso cho biết: "Du khách chỉ thấy hình ảnh những bãi biển hoang sơ vùng Bắc Cực trong những sách chỉ dẫn du lịch, tuy nhiên khi ra thực tế, họ thường cảm thấy sốc khi rác thải ngày càng nhiều".
Điển hình như ở bờ biển Skulsfjord gần Tromsø, rác vẫn còn khá nhiều, nhất là lưới đánh cá vùng nước không đóng băng.
Những dòng hải lưu thường đưa rác về Bắc Cực - (Ảnh: ANDREZ COZAR).
Các nhà khoa học cho biết các ngư dân Na Uy ngày càng nhận thức được trách nhiệm của mình trong vấn đề bảo vệ môi trường biển.
Jan Roger Lerbukt, chủ doanh nghiệp khai thác thủy sản Hermes Fishing ở Tromsø cho biết: "Ngư nghiệp là linh hồn của đất nước chúng tôi và bất cứ gì đe dọa đến môi trường biển đều ảnh hưởng đến đời sống của chúng tôi".
Ngoài ra, Na Uy đang có thương hiệu về nguồn cá sạch và các ngư dân không muốn làm tổn hại thương hiệu đó.
Lerbukt cũng cho rằng nếu như trước đây các đội đánh cá thường vứt những tấm lưới không còn sử dụng được thì giờ đây họ đã có ý thức đem về đất liền.
Một số rác thải thu được sau 1 chiến dịch làm sạch biển Bắc Cực - (Ảnh: VEGARD STURZINGER).
Ngư dân Na Uy cũng thường xuyên thu gom rác khi đi đánh cá, hưởng ứng các chiến dịch phát động của chính phủ. Đồng thời, ngày càng nhiều thủy thủ chuyển sang gói đồ đặc bằng giấy thay vì bọc nilon.
Bộ trưởng bộ Môi trường của Na Uy cho biết ngày nay không còn nơi nào trên Trái đất có thể thoát khỏi rác thải ô nhiễm. Do đó, Na Uy cần phải hành động ngay lập tức trước khi quá muộn.