Hải cẩu ăn cua (crabeater seals) là loài vật phân bố xung quanh Nam Cực với kích thước dài hơn 2m.
Thân hình của chúng tương đôi thon gọn và có màu xám nhạt. Đây được xem là loài hải cẩu có số lượng cá thể đông đảo nhất trên thế giới. Khác với cái tên gọi, thức ăn của loài hải cẩu ăn cua là nhuyễn thể, chiếm đến 90% chế độ ăn uống. Nguyên nhân cho cái tên bắt nguồn từ cái tên khoa học của chúng Lobodon Carcinophaga xuất phát từ tiếng Hy Lạp, trong đó "karkinos" nghĩa là cua và "phagein" là ăn.
Những chiếc răng này đóng vai trò như tấm sàng để lọc nước biển và thức ăn.
Nhờ vào cấu tạo răng đặc biệt với nhiều chóp nhọn, được sắp xếp gần như hoàn hảo đã giúp cho hải cẩu có thể ăn cả một lượng lớn nhuyễn thể. Những chiếc răng này đóng vai trò như tấm sàng để lọc nước biển và thức ăn, tương tự như răng của cá voi tấm sừng. Theo đó, hải cẩu ăn cua kiếm ăn bằng cách bơi qua các đàn nhuyễn thể với chiếc miệng mở. Sau đó, chúng đóng hàm và lọc nước ra ngoài nhờ vào những răng tinh vi của mình, ngăn cho con mồi có thể thoát ra.
Nhờ vào việc sở hữu hàm răng độc đáo này mà loài hải cẩu ăn cua có thể tiếp cận với nguồn thức ăn giàu dinh dưỡng từ nhuyễn thể mà không bị các loài hải cẩu khác sống quanh Nam Cực tranh giành. Cũng có thể đó là lý do tại sao số lượng loài hải cẩu ăn cua lại chiếm đông đảo nhất trong tất cả các loài hải cẩu. Ước tính có ít nhất 7 triệu con hải cẩu ăn cua đang sinh sống tại Nam Cực, tuy nhiên một số người lại tin rằng con số phải lớn hơn, tầm 50 triệu. Với con số này đã giúp loài hải cẩu ăn cua trở thành một trong loài động vật có vú nhiều nhất trên Trái đất.
Tất nhiên cuộc sống của hải cẩu ăn cua cũng không quá an toàn và nhàn hạ. Trên thực tế, một con hải cẩu ăn cua có đến tận 80% nguy cơ chết trong những năm đầu đời. Điều này là bởi những con hải cẩu ăn cua là món ăn ưa thích của loài hải cẩu beo. Ngay cả có sống sót qua những năm đầu đời, hầu hết những con hải cẩu ăn cua đều mang trên mình những vết sẹo do hải cẩu beo để lại.
Thiên địch của hải cẩu ăn cua là những con hải cẩu beo.
Không chỉ vậy, hải cẩu ăn cua còn đối mặt với nhiều rủi ro từ các loài khác bao gồm cá voi sát thủ. Các nhà khoa học tin rằng chính các áp lực ngoài tự nhiên đã thúc đẩy hải cẩu ăn cua sống theo từng cụm bầy đàn lớn để giảm tỷ lệ bị ăn thịt.
Tốc độ đi trên đất liền của chúng là khoảng 19-26km/h.
Hải cẩu ăn cua trường thành (tức trên 5 năm tuổi) có thể phát triển chiều dài lên đến 2.3m, và nặng trung bình khoảng 200kg. Trong khi đó, những con hải cẩu con có tốc độ phát triển rất nhanh, chúng thậm chí có thể tăng lên 100kg sau khi cai sữa mẹ từ 2-3 tuần. Điểm nhận diện dễ nhận thấy nhất của hải cẩu ăn cua là chúng mảnh mai và có chiếc mõm nhọn. Chúng có dáng đi khá ngoằn ngoèo trên băng với tốc độ khá nhanh. Dữ liệu cho thấy tốc độ đi trên đất liền của chúng là khoảng 19-26km/h, trong khi đó, tốc độ bơi của chúng là 12.7km/h.
Hầu như sự tiếp xúc giữa loài người với con này rất hạn chế.
Do hải cẩu ăn cua thường chỉ sống xung quanh Nam Cực, nên hầu như sự tiếp xúc giữa loài người với con này rất hạn chế. Ngoài ra, do số lượng cá thể quá lớn, nên loài hải cẩu ăn cua không bị đe doạ. Vì thế chúng là loài ít được quan tâm nhất trong các danh sách của Liên minh Bảo tồn thiên nhiên Quốc tế (IUCN). Tuy nhiên, với sự phát triển của nghề khai thác nhuyễn thể thương mại ở Nam Cực, nguồn thức ăn của loài hải cẩu ăn cua đã bị ảnh hưởng khá nhiều. Hơn thế, nếu biến đổi khi hậu vẫn diễn ra và ngày càng tệ đi, giống loài này cũng sẽ chịu nhiều ảnh hưởng.