New Zealand trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp quyền bảo vệ hợp pháp cho một sinh vật biển và chú cá heo Pelorus Jack, từng dẫn đường tàu thuyền qua eo biển New Zealand trong 24 năm, là cá thể sinh vật biển đầu tiên được luật pháp bảo vệ và được vinh danh.
Năm 1642, nhà hàng hải Abel Tasman trở thành người châu Âu đầu tiên phát hiện ra một nhóm đảo ở Nam Thái Bình Dương mà sau này được gọi là New Zealand. Năm 1840, người Anh tham gia chinh phục, chính thức sáp nhập quần đảo này khi thiết lập khu định cư lâu dài của châu Âu tại Wellington.
Kể từ đó, rất nhiều tuyến đường thương mại đã được hình thành để vận chuyển khoáng sản và các loại đá quý khai thác trên các hòn đảo này. Vấn đề duy nhất là các eo biển hẹp nối các đảo khiến tàu thuyền rất khó đi qua. Dòng nước mạnh đẩy tàu vào các tảng đá và gây hư hại, do các thủy thủ không thể biết vị trí có xoáy nước.
Hình ảnh chú cá heo Pelorus Jack. (Nguồn: historyofyesterday.com).
Những con tàu của thế kỷ 19 rất vững chắc nhưng vẫn không thể sánh được với “mẹ thiên nhiên”. Người ta vẫn thường bắt gặp cá heo ở phía Bắc New Zealand, nhưng có một chú cá heo đặc biệt được các thủy thủ coi như vị cứu tinh thực sự. Cá heo được bắt gặp lần đầu tiên vào năm 1888 khi một con tàu buôn đang đến gần French Pass, eo biển nổi tiếng nguy hiểm nằm giữa Đảo D'Urville và Đảo Nam, nằm trên tuyến đường đi lại giữa Wellington và Nelson.
Khi các thành viên của thủy thủ đoàn nhìn thấy con cá heo nhấp nhô lên xuống trước tàu, họ từng muốn giết nó, nhưng vợ của thuyền trưởng đã ngăn cản. Trước sự ngạc nhiên của họ, chú cá heo sau đó đã hướng dẫn con tàu qua con kênh hẹp. Chú cá heo dẫn đường cho con tàu giữa vùng nước xoáy và vượt qua French Pass, một cách an toàn.
Các thủy thủ đặt biệt danh cho chú cá heo là Pelorus Jack liên quan đến vùng Marlborough Sounds, nơi Jack đợi để dẫn đường cho tàu. Chú cá voi Jack dài khoảng 4m với các đường kẻ hoặc bóng mờ màu xám, cái đầu tròn màu trắng. Giới tính của con cá heo không được xác định, tuy nhiên các nhà nghiên cứu tin rằng nó là con đực dựa trên kích thước của động vật có vú. Trong nhiều năm sau đó, Jack đã hướng dẫn hầu hết mọi con tàu đi qua French Pass an toàn.
Pelorus Jack đã hướng dẫn các con tàu bằng cách bơi cùng với tàu thủy khoảng 20 phút mỗi lần, có mặt cả ngày lẫn đêm. Với đá và dòng chảy mạnh, khu vực này rất nguy hiểm cho tàu bè, nhưng không có vụ đắm tàu nào xảy ra khi Jack có mặt. Pelorus Jack cực kỳ chính xác và dũng cảm khi nó rẽ sóng ngay trước những con tàu và dẫn đường cho họ. Sau một vài năm, các thủy thủ thậm chí sẽ không đi qua French Pass, nếu Jack chưa tới “dẫn đường”.
Eo biển French Pass. (Nguồn: historyofyesterday.com).
Jack trở nên nổi tiếng khắp thế giới sau một bài báo được Daily Mail đăng vào năm 1906.
“Trong 20 năm qua, không có con tàu nào vượt qua vùng này mà không có “người đi kèm”, ít nhất là một phần của chặng đường, đó là một con cá lớn màu trắng, được gọi là Pelorus Jack.… Lần đầu tiên người ta nhận thấy nó đang nhảy lên khỏi mặt biển từ xa, nhưng trong giây lát đã bơi qua mặt nước ngay phía trước thân tàu. Đôi khi nó chỉ nhảy lên khỏi mặt nước trong giây lát và bơi phía trước, rồi phóng khỏi tầm mắt. Nhưng vào những lúc khác, nó ở lại lâu hơn 10 phút. Jack được cho là không bao giờ đến gần thuyền buồm hoặc tàu hơi nước có đáy bằng gỗ; nhưng bất kể con tàu hơi nước vỏ thép băng qua vùng Sound, dù là ban ngày hay ban đêm, Pelorus Jack luôn có mặt để giúp đỡ”, bài báo của Daily Mail viết.
Các nhà văn nổi tiếng như Mark Twain và Frank Bullen đã đi thuyền đến French Pass chỉ để tận mắt nhìn thấy Jack và đề cập ngắn gọn đến chú cá heo đặc biệt này trong các tác phẩm của họ.
Một sự kiện thú vị: vào năm 1904, khi một hành khách trên tàu SS Penguin (một trong những con tàu chạy bằng hơi nước đầu tiên của New Zealand) đã tìm cách bắn Pelorus Jack khi chú cá heo đang hướng dẫn con tàu. Người đàn ông đã bị bắt trên tàu nhưng khi về đến đất liền thì anh ta được thả vì vào thời điểm đó, không có luật ngăn cấm mọi người bắn cá heo.
Bất chấp nguy hiểm, Pelorus Jack vẫn tiếp tục giúp đỡ các con tàu nhưng lần tiếp theo SS Penguin đi ngang qua French Pass, người ta không còn thấy Jack đâu nữa. Đó là bởi vì chú cá heo biết và coi con tàu cụ thể này là một mối đe dọa.
Pelorus Jack không bao giờ “dẫn đường cho SS Penguin nữa và con tàu này đâm phải một tảng đá, bị chìm ngoài khơi Bờ biển Nam Wellington sau đó không lâu. Người ta tin rằng, một con tàu bị cá heo bỏ rơi cuối cùng cũng sẽ gặp nạn. Hơn 75 hành khách trên tàu đã chết và đây chắc chắn là điều có thể tránh được nếu có Jack dẫn đường.
Bức tượng vinh danh chú cá heo Pelorus Jack. (Nguồn: stuff.co.nz).
Ngày 26/9/1904, nhà chức trách đã ký Lệnh cấm làm hại cá heo Risso ở và xung quanh New Zealand. Lệnh được ban hành sau sự việc xảy ra trên tàu SS Penguin và đưa New Zealand trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới cấp quyền bảo vệ hợp pháp cho một sinh vật biển duy nhất và Jack là cá thể sinh vật biển đầu tiên được luật pháp bảo vệ. Trong Kho lưu trữ của New Zealand, có một clip quay cảnh Pelorus Jack đang dẫn đường cho một con tàu. Nhiều người không thực sự tin vào câu chuyện về Jack, cho rằng đây chỉ là một truyền thuyết do các thủy thủ tưởng tượng ra, nhưng đoạn clip là thông tin chi tiết duy nhất về sự tồn tại của chú cá heo nổi tiếng.
Tháng 4/1912, Pelarous Jack biến mất một cách bí ẩn. Tàu đã đợi Jack nhiều ngày trời nhưng không thấy chú đâu. Không rõ chính xác chuyện gì đã xảy ra với Jack nhưng dường như chú đã chết. Vào thời điểm đó, người ta cho là Jack đâm vào một chiếc vỏ tàu và bị cắt đứt thân. Điều này hoàn toàn có thể xảy ra vì chú luôn ở ngay bên cạnh thân tàu khi hướng dẫn họ.
Một số giả thuyết khác cho rằng chú bị ai đó bắn vì thù hận. Những người khác nói rằng trong khoảng thời gian đó, nhiều ngư dân Na Uy đã đến New Zealand và bắt đầu đánh bắt tất cả những gì họ thấy di chuyển, vì vậy Jack có thể đã bị ngư dân bắt. Một giả thuyết khác có thể đơn giản là Jack chết vì những nguyên nhân tự nhiên. Cá heo Risso thường sống từ 20-40 năm và Jack đã dành 24 năm cuộc đời mình (1888-1912) để dẫn đường cho các con tàu đi qua French Pass.
Jack chắc chắn đã có tác động rất lớn đến cuộc sống của rất nhiều người. Huyền thoại về Pelorus Jack tiếp tục ghi dấu ấn trong thế giới ngày nay. Kể từ năm 1989, Pelorus Jack đã được sử dụng làm biểu tượng cho Interislander, một phà dịch vụ liên đảo đi từ Wellington đến Picton qua eo biển Cook. Một hiệu chocolate cũng được đặt theo tên của chú. Năm 2016, một tác phẩm điêu khắc bằng đồng với kích thước giống như thật đã được đặt ở Collinet Point, nhìn ra đèo French Pass, để vinh danh Jack.