Chúng ta có "cô đơn" trong vũ trụ này?

  •  
  • 3.212

Theo trang tin Newsweek thì các nhà nghiên cứu tại Đại học Oxford vừa đưa ra kết luận rằng chúng ta là loài vật có trí thông tin duy nhất trong vũ trụ. Kết quả của cuộc nghiên cứu trên đã được đăng tải sớm trên trang arXiv.

Theo tính toán của các nhà nghiên cứu, xác suất cho rằng chúng ta không có "bạn" trong Dải ngân hà và trong khoảng vũ trụ quan sát được đang lần lượt là 53-99,6% và 39-85%.

Nhóm nghiên cứu tập trung vào việc tìm câu trả lời cho "Nghịch lý Fermi": "Nếu có trí thông minh khác tồn tại ngoài Trái Đất, vậy tại sao chúng ta không hề nhận được dấu hiệu nào từ chúng"?

Theo đó, vô số cách giải thích khác nhau cho câu hỏi trên đã được đưa ra bởi những người có hứng thú với công tác "săn người ngoài hành tinh", một trong số đó là tác giả của cuộc nghiên cứu trên, ông Anders Sandberg. Anders cũng là người đưa ra giả thuyết rằng rất có thể người ngoài hành tinh đang trải qua một kì "ngủ đông" để chờ vũ trụ hạ nhiệt và chờ cho các nguồn năng lượng trở lên đáng giá hơn.

Hoặc đơn giản là vì người ngoài hành tinh chưa từng tồn tại, bởi vậy mà chúng ta không thể tìm ra những dấu hiệu của họ.

Nhóm nghiên cứu đã sử dụng phương trình Drake, công cụ nhằm ước tính số lượng nền văn minh ngoài Trái Đất có thể tìm thấy trong Dải ngân hà. Phép tính này cho phép các "thợ săn người ngoài hành tinh" nhập vào nhiều giá trị tính toán để có thể đưa ra một kết luận cụ thể.

Họ còn muốn nâng cao tính chặt chẽ cho phép tính thông qua việc chỉ ra các hình mẫu về hóa học và di truyền đồng thời giải quyết các biến cố không chắc chắn ẩn trong phép toán. Sandberg, trong bài phỏng vấn với trang tin Universe Today, than vãn rằng: "Khi chúng ta thảo luận về những phương trình như này, mọi người sẽ thường xuyên cho rằng "phép đo lường này không phải là tuyệt đối, vậy nên hãy coi nó như một phép toán mang tính dự đoán đi" và cuối cùng, chúng ta chỉ mãi thu được một kết quả luôn chỉ được xây dụng trên các phỏng đoán".

Tuy nhiên nếu chỉ dựa phương trình Drake và hoàn toàn bỏ qua các dự đoán cũng đem tới những ảnh hưởng không tốt. ông Sandberg cho biết thêm: "Nếu bỏ qua toàn bộ các dự đoán, phương trình Drake sẽ khiến chúng ta quá tự tin vào kết quả của nó. Không những vậy, kết quả của phương trình trên còn bị ảnh hưởng bởi một phần niềm tin của người thực hiện. Nếu bạn đang mong muốn một kết quả tích cực thì nó sẽ trả về một kết quả đầy triển vọng, còn nếu bạn là một người dễ bi quan, bạn sẽ dễ dàng nhận được các kết quả thấp".

Bằng cách chỉ ra một loạt các điểm không chắc chắn, nhóm nghiên cứu tin rằng họ có thể loại bỏ bớt yếu tố "niềm tin" khỏi kết quả tính toán. Sandberg khẳng định rằng cuộc nghiên cứu này không phải để chỉ ra điểm vô nghĩa trong cuộc tìm kiếm những sinh vật ngoài hành tinh, và nó cũng không phải để khẳng định rằng chắc chắn rằng ở ngoài vũ trụ xa xôi kia, không còn sinh vật nào khác đang tồn tại. Nó chỉ giúp nhấn mạnh thêm cho mệnh đề: chúng ta có thể là sinh vật có trí khôn duy nhất tồn tại trong vũ trụ.

Cập nhật: 29/06/2018 Theo vnreview
  • 3.212