Chúng ta đã biến đổi cùng khí hậu như thế nào?

  •   12
  • 1.433

Những trường hợp thực tế sau đây cho thấy tương lai hành tinh của chúng ta đã hòa vào sự biến đổi khí hậu. Bài này được trích từ một quyển sách của Stephan Faris tựa đề Dự báo: Những hậu quả của sự biến đổi khí hậu, từ vùng Amazon lên Bắc cực, từ Darfur đến thung lũng Napa sẽ được xuất bản tháng 1-2009 do Nhà xuất bản Henry Holt ấn hành.

1. Hạn hán tăng (điển hình vùng Darfur, nước Sudan) 

Chỉ đến khi mưa đổ xuống Darfur, vùng này mới có thể lại bình yên. Những người du mục thường thả đàn lạc đà trên sườn đồi lởm chởm đá giữa cánh đồng do nông dân định cư sở hữu và để chúng ăn những thứ còn sót lại sau mùa gặt. Nhưng sau hàng thập kỷ dài hạn hán, nơi này không còn là đất lành. Nông dân bắt đầu rào các cánh đồng và xung đột nổ ra giữa nông dân và các bộ lạc du mục.

Điều gì đã làm những cơn mưa không rơi xuống nơi này? Sự ấm lên ở các vùng nhiệt đới và các đại dương ở phía nam kết hợp với lạnh ở bắc Đại Tây Dương đã làm biến đổi chế độ gió mùa ở châu Phi. Căn nguyên sự khô hạn ở Darfur nằm ở sự thay đổi của khí hậu toàn cầu.

Cuộc khủng hoảng khí hậu đã kéo đến Cộng hòa Trung Phi. Những bộ lạc du cư của Sudan phải tiến sâu hơn vào rừng nhiệt đới Congo. Các nước lân cận khác đang lo ngại rồi sẽ đến lượt họ. Tại hội nghị đầu tiên về tác động của biến đổi khí hậu năm ngoái do Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc tổ chức, đại diện của Ghana phát biểu: "Chúng tôi hi vọng hồi chuông cảnh báo về nguy cơ ấm lên toàn cầu sẽ được theo sau bằng hành động kịp thời, phù hợp và có sự phối hợp".

Ở Ghana, biến đổi khí hậu đã lan đến tận sa mạc Sahara, buộc những người du mục phải thả đàn gia súc vào những khu đất trồng. Dân du mục cho biết họ phải trang bị các loại súng tốt để bảo vệ đàn gia súc khỏi những người dân địa phương phẫn nộ vì phải chia sẻ quyền lợi.

2. Bão lụt thường xuyên hơn (các vùng ven biển) 

Các nhà khoa học khí hậu có thể còn tiếp tục tranh cãi tại sao biến đổi khí hậu làm cho những cơn bão nhiệt đới ngày càng mạnh và thường xuyên hơn nhưng các công ty bảo hiểm thì không thể đợi câu trả lời. Trong mùa bão năm 2004-2005, bao gồm cả bão Katrina và rất nhiều cơn bão khác đổ bộ vào Florida, ngành bảo hiểm đã gặp nguy khốn. Hơn 5,6 triệu người đòi bồi thường số tiền 81 tỉ USD.

3. Gia tăng côn trùng gây bệnh (điển hình tại Ý) 

Tháng 8-2007, dịch bệnh quét qua một thị trấn nhỏ ở miền bắc nước Ý, hơn 100 trong số 2.000 cư dân của thị trấn ngã bệnh với các biểu hiện: sốt cao, nổi ban đỏ, đau đớn ở xương và khớp. Không khí ấm bất thường trong mùa đông đã cho phép loài muỗi vằn sinh sản sớm và gia tăng mật độ. Khi những khách du lịch Ý trở về từ Ấn Độ với bệnh sốt Chikungunya, một dạng gần của sốt xuất huyết, dịch sốt này được dịp lây lan. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), đây là lần đầu tiên bệnh nhiệt đới bùng nổ ở châu Âu gây ra do biến đổi khí hậu.

Biến đổi khí hậu làm gia tăng sốt xuất huyết và bệnh nhiệt đới như sốt rét. Lăng quăng sinh trưởng nhanh khi nước ấm hơn, muỗi cái tiêu hóa máu nhanh hơn và cắn thường xuyên hơn khi nhiệt độ tăng lên.

Muỗi vằn gây bệnh sốt rét chỉ sống trong vài tuần. Ở 20 độ C, muỗi vằn cần 26 ngày để hoàn thành chu trình trưởng thành. Ở 25 độ C, nó chỉ cần 13 ngày. "Sự thay đổi mật độ đàn muỗi do sự phân biệt các mùa không còn rõ ràng (nhiệt độ ấm trong mùa đông) có liên quan đến các loại bệnh tật do muỗi mang lại" - Paul Epstein, phó giám đốc Trung tâm về sức khỏe và môi trường toàn cầu Đại học Harvard cho biết.

4. Ảnh hưởng đến ngành rượu vang Bắc Âu 

Nhưng sự ấm lên toàn cầu dường như tốt cho việc sản xuất rượu. Một nghiên cứu chủ trì bởi Gregory Jones, một nhà khí hậu học thuộc Đại học Nam Oregon và cũng là con trai của một chủ trang trại nho, đã chú ý đến ảnh hưởng của việc gia tăng nhiệt độ đối với sản xuất rượu trong thời gian từ 1950-1999. Theo đó, nhiệt độ đã tăng trung bình 1,3 độ C tại 27 vùng làm rượu trong nghiên cứu của Jones, giúp tăng nồng độ của rượu, tăng độ chín của trái cây và do đó tăng lượng đường sau quá trình lên men.

Nhưng sau nhiều năm mùa màng không ổn định, hiển nhiên là tương lai sẽ không sáng sủa cho ngành làm rượu. Những đợt nóng vào năm 2003 làm nho chín sớm và làm thay đổi mùi vị độc đáo của nhiều loại rượu, chúng có vị như nho khô!

Khi nhiệt độ tiếp tục tăng lên, nhà nông sẽ phát hiện trái cây của họ chín quá nhanh. Như vậy, tương lai các trang trại nho phải mở rộng về phía bắc và tiến lên các ngọn đồi cao để tiếp tục đảm bảo các điều kiện sinh trưởng tốt nhất cho trái nho. Họ thậm chí phải mở trang trại ở Hà Lan, Bỉ và Đan Mạch.

5. Ảnh hưởng sự sống các loài hải sản 

Không phải tất cả khí CO2 chúng ta thở ra đều góp phần vào sự gia tăng nhiệt độ. Hơn một phần ba của lượng khí này được hấp thụ bởi các đại dương, nơi chúng phản ứng với nước biển để tạo thành acid gốc carbon (H2CO3). Cho đến nay, chúng ta đã đóng góp một lượng carbon đủ lớn để làm giảm độ pH trong nước trên toàn cầu từ 8,2 xuống còn 8,1.

Những loài đầu tiên cảm nhận được những biến đổi hóa, lý này là các loài hải sản dùng canxi carbonate để tạo vỏ và xương ngoài. Nước biển hơi axit (thật ra là kém kiềm hơn) làm ăn mòn vỏ cua, vỏ loài nhuyễn thể và ốc biển. Các bờ san hô bị suy giảm mạnh vì sự thay đổi hóa tính kết hợp với sự ấm khác thường của nước biển.

Dải đá ngầm của Úc mất một lượng san hô khoảng 10% trong năm 1998 và 2002. Những tập đoàn tảo cộng sinh cho màu sắc rực rỡ của san hô bị rữa sạch, để trơ trọi thanh san hô trắng như xương và mềm. Tiểu ban liên chính phủ về biến đổi khí hậu của LHQ (IPCC) dự đoán đến năm 2050, 97% của dải đá ngầm lớn sẽ bị tẩy trắng hằng năm. Mặc dù san hô đôi lúc có thể tái tạo, tái hấp thu tảo biển, nhưng sự tẩy trắng là dấu hiệu ban đầu của sự suy diệt các bãi đá ngầm.

Các loài chim biển ở Úc đã giảm mật độ do thiếu thức ăn. Các ngành liên quan đến hải sản sẽ là nạn nhân tiếp theo. Cùng với sự biến mất của dải đá ngầm, các loài cá cũng sẽ biến mất.

6. Ngập lụt tại các đảo quốc và bán đảo 

Hè năm ngoái, Kiribati - một đảo quốc nhỏ thuộc Thái Bình Dương - là nước đầu tiên tuyên bố sự ấm lên của Trái đất làm cho vùng đảo của họ trở thành nơi không thể cư trú và cầu viện sự giúp đỡ để di dời cư dân đến nơi khác. Băng tan và Trái đất ấm lên sẽ làm mực nước biển tăng lên khoảng 1m vào cuối thế kỷ này. Cư dân nơi đây thậm chí sẽ không có nước ngọt để uống vì các nguồn nước bị nhiễm mặn.

Trong khi cư dân Kirubati đang mong chờ câu trả lời từ bất cứ nước nào có thể cho phép 100.000 dân của họ đến tị nạn khí hậu thì đảo Maldives, trước nguy cơ tương tự, nhưng giàu hơn nhờ khai thác du lịch đang tìm mua một vùng đất mới.

Vào tháng 11, tổng thống mới đắc cử trong cuộc bầu cử dân chủ đầu tiên của nước này thông báo ông đã thiết lập một quỹ đầu tư với hi vọng sẽ mua được một vùng đất mới cho 300.000 cư dân của nước này. "Chúng ta không muốn rời khỏi Maldives, nhưng chúng ta cũng không muốn làm những người tị nạn khí hậu sống trong những mái lều trong thập niên tới". Sri Lanka và Ấn Độ đã ngỏ lời với vị tân tổng thống nhưng Úc với địa hình rộng lớn, nhiều đất đai chưa khai phá cũng là nơi lưu tâm.

7. Tăng lượng di dân từ nước nghèo sang nước giàu 

Theo Tổ chức Chữ thập đỏ, thiên tai làm nhiều người phải li tán hơn là chiến tranh. Theo đó, đến năm 2050, lũ lụt, hạn hán và thiếu đói gây ra bởi biến đổi khí hậu sẽ làm 250 triệu người mất nhà cửa - so với hơn 163 triệu người đang phải di tản bởi chiến tranh, đói kém hoặc các thảm họa sinh thái. Hầu hết những người tị nạn khí hậu thuộc nhóm các nước nghèo nhất thế giới - nơi mà chính phủ và người dân thiếu các tài nguyên để thích nghi với vấn nạn ấm lên toàn cầu.

Ở các nước giàu hơn, tác động của sự ấm lên của Trái đất liên quan đến chính trị. Sự gia tăng dân số do di cư cung cấp cho các nhóm phản đối di dân một luận điểm để núp bóng - đó là môi trường. Trung tâm nghiên cứu di dân ở Washington D.C tranh luận: những người nhập cư vào Mỹ từ các nước đang phát triển làm trở ngại các nỗ lực chống lại biến đổi khí hậu vì họ sản xuất khí CO2 nhiều gấp bốn lần khi ở nước bản xứ.

Làn sóng người Mexico vào Mỹ đang tăng lên vì điều kiện nước tưới làm hoạt động nông nghiệp ở Mexico ngày càng khó khăn, nhất là khi ít mưa hơn và nhiều hạn hán hơn. Sự gia tăng những thảm họa khí hậu như bão nhiệt đới ở nhiều nơi càng khuyến khích làn sóng di cư đến Hoa Kỳ.

8. Tranh nhau đường biển qua Bắc cực

Sự tan băng ở Bắc cực làm dấy lên cuộc chạy đua chính trị về địa lý và chính trị đối với vùng này, báo chí các nước như Nga, Mỹ, Canada và Đan Mạch đua nhau ra tuyên bố giành chủ quyền đối với vùng đất cao nhất địa cầu này.

Nhưng cho dù việc tranh giành này nhằm vào tiềm năng về khoáng sản, kim loại, dầu mỏ, sự tan rã những tảng băng đã để lộ ra một tài nguyên vô giá khác: những sóng biển bên dưới chúng. Khi không còn các tảng băng ở Bắc cực mà là biển, các tàu chở hàng từ châu Âu sang châu Á nếu có thể đi đường tắt qua Bắc cực, sẽ rút ngắn được đoạn đường 6.400km và không phải đi qua kênh đào Panama.

Tàu hàng sẽ không phải qua những âu thuyền chật hẹp, và tàu mọi trọng tải đều qua được. Vào tháng 9-2007, Cơ quan Không gian châu Âu công bố rằng lần đầu tiên trong lịch sử đường biển qua Bắc cực có thể lưu thông được hoàn toàn, ít ra trong thời gian ngắn. Nếu băng vẫn tiếp tục tan ra, việc xây con đường tắt sẽ càng gần hiện thực.

9. Chuyển hướng dịch vụ du lịch trên dải núi Alps 

Theo Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD), dãy núi Alps đang bị ấm lên với mức cao gấp 3 lần so với tỉ lệ trung bình toàn cầu, các số liệu nghiên cứu sâu hơn sẽ tiếp tục được công bố. Điều này đang đe dọa đến dịch vụ kinh doanh liên quan đến các môn thể thao mùa đông vốn thu hút được khoảng 60-80 triệu du khách mỗi năm.

Những cơ sở du lịch đặt trên các ngọn núi thuộc dạng hấp dẫn du khách nhất đang phải đóng cửa hoặc cố gắng mở các dịch vụ thường xuyên khác quanh năm với các môn thể thao không liên quan đến tuyết và băng, hoặc điểm tắm nước nóng, khu tổ chức hội nghị kèm nghỉ mát...

10. Mậu dịch cacbon xung đột với thổ dân 

Ở một số nơi, nỗ lực nhằm giảm thiểu sự ấm lên của quả đất có tác động lớn hơn sự thay đổi khí hậu. Tại công viên quốc gia núi Elgon ở đông Uganda, một tổ chức phi lợi nhuận Hà Lan tiến hành một dự án trồng rừng ở xung quanh công viên này để lấy tín chỉ cacbon cho các hành khách đi máy bay muốn bù lại lượng CO2 mà họ đã thải ra, và sẽ tái đầu tư tiền thu được để trồng tiếp thêm nhiều cây rừng nữa.

Đây là một dự án có lợi cho tất cả mọi người. Những cây xanh sẽ tiêu thụ lượng CO2 trong không khí, khách du lịch thấy bớt tội lỗi và Uganda sẽ mở rộng thêm công viên. Nhưng dự án đã không tính đến một thành phần dễ bị thiệt thòi nhất: những cộng đồng thổ dân đã sống nhờ vào các khu đồi gần công viên quốc gia này.

Tức giận vì đất làm ăn của mình bị tước đoạt, họ đấu tranh giành lại đất bằng kiện ra tòa và chặt hạ cây. Rốt cuộc, các cây xanh được trồng nhằm mục đích hấp thu khí cacbon đã bị triệt hạ.

Những xung đột tương tự như trên tại các quốc gia khác cũng đã xảy ra, và thường là dân nghèo phải chịu thiệt thòi hơn, như ở Ecuador, Brazil và Ấn Độ. Những thách thức lớn nhất trong các cuộc thương thuyết về biến đổi khí hậu để đi đến một thỏa ước mới thay thế Hiệp ước Kyoto sẽ là các điều khoản đưa rừng vào để tính toán lượng khí nhà kính, và giải pháp giữa các nước giàu và các nước nghèo ai sẽ là phía có trách nhiệm lớn hơn trong việc cắt giảm lượng CO2 thải ra.

Trong cả hai trường hợp, các nước thật nghèo rất có thể bị thiệt hại nhiều nhất.

Theo Tuổi Trẻ (Scientific American)
  • 12
  • 1.433