Chuột chũi trụi lông trông giống như một cái xúc xích màu hồng, nhăn nhúm với hàm răng kiếm. Chúng sẽ không thể thắng bất cứ cuộc thi sắc đẹp nào, kể cả trong số những loài gặm nhấm. Nhưng loài vật phía Đông châu Phi này lại thọ nhất trong các loài gặm nhấm. Chúng sống lâu gấp 9 lần các loài chuột có kích thước tương tự. Chúng không chỉ có vòng đời rất dài, mà còn giữ được sức khỏe tốt trong phần lớn cuộc đời và có khả năng chống chịu ung thư đặc biệt xuất sắc.
Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm khoa học sức khỏe Đại học Texas tại San Antonio đang nghiên cứu cơ chế hình thành sức khỏe rất tốt và quá trình lão hóa chậm của chuột chũi trụi lông trong đàn chuột lớn tại Học viện nghiên cứu tuổi thọ và lão hóa Barshop. Trong số ngày 3 tháng 3 của Proceedings of the National Academy of Sciences, các nhà khoa học báo cáo một đặc tính khác thường nữa của loài vật này – mô của chuột chũi trụi lông đặc biệt hiệu quả trong việc loại bỏ những protein bị tổn thương và do đó giữ lại những protein ổn định và có chất lượng cao.
Đồng tác giả Rochelle Buffenstein, giáo sư sinh lý học tại Học viện Barshop và một trong những chuyên gia hàng đầu về lão hóa ở chuột chũi trụi, cho biết: “Những con chuột chũi không có lông không mang những biểu hiện thông thường của lão hóa, ví dụ như mãn kinh hoặc suy giảm chức năng não. Chúng có vòng đời khỏe mạnh mà tất cả chúng ta đều mong muốn”.
Trong hầu hết các sinh vật, protein được đánh dấu để tiêu hủy, và một bộ phận chuyên loại bỏ rác thải, gọi là “proteasome” sẽ chọn lựa những protein bị tổn thương và tái sử dụng amino axit để hình thành protein mới. Nhóm nghiên cứu phát hiện thấy rất ít những protein bị đánh dấu để tiêu hủy ở loài chuột chũi này, điều này cho thấy chúng có những protein tốt hơn cũng như cơ chế loại bỏ những protein bị tổn thương hiệu quả hơn. Kết quả là những protein bị tổn thương không tích lũy và tàn phá tế bào.
Chuột chũi trụi lông nằm trong một cuộn giấy vệ sinh. (Ảnh: Đại học Texas, Trung tâm khoa học sức khỏe) |
Tác giả của bài báo Asish Chaudhuri, giáo sư tiến sĩ sinh hóa thuộc Học viện Barshop, cho biết: “Chúng tôi tin rằng mức độ protein tổn thương ở chuột chũi trụi lông không quan trọng bằng khả năng loại bỏ những phần tổn thương một cách hiệu quả”.
Các nhà khoa học so sánh mô của chúng với mô của chuột thí nghiệm. Mẫu vật từ chuột chũi tốt hơn rất nhiều trong việc đối phó với protein bị tổn thương do căng thẳng.
Tác giả chính Viviana Perez, nhà nghiên cứu bậc sau tiến sĩ tại Học viện Barshop, cho biết: “Chúng tôi nhận định rằng những cụm protein tổn thương hợp thành những khối độc hại đối với tế bào, và những khối này đóng vai trò quan trọng trong những bệnh suy giảm thần kinh liên quan đến tuổi tác như bệnh Alzheimer, Parkinson, Huntington và Lou Gehrig. Tìm ra cách bắt chước khả năng loại bỏ protein tổn thương hiệu quả như chuột chũi có thể là tiền đề để tìm ra những loại thuốc mới cho những căn bệnh nói trên”.
Bước tiếp theo của các nhà nghiên cứu là xác định liệu mô của các loài động vật sống lâu khác, ví dụ như một số loài chim, có khả năng loại bỏ protein tổn thương tương tự hay không. Cuối cùng, mô từ linh trưởng và thậm chí con người có thể được nghiên cứu để kiểm chứng tính phổ thông của “lý thuyết loại bỏ protein”, tiến sĩ Chaudhuri nhận xét.
Tiến sĩ Buffenstein kết luận: “Tìm hiểu làm thế nào chuột chũi kiểm soát chất lượng protein có thể đưa ra những kiến thức mới về việc làm thế nào con người có thể giữ được sức khỏe tốt. Chúng tôi cũng có thể học được điều gì đấy về việc chữa trị những căn bệnh liên quan đến tuổi tác”.
Tham khảo:
Perez et al. Protein stability and resistance to oxidative stress are determinants of longevity in the longest-living rodent, the naked mole-rat. Proceedings of the National Academy of Sciences, 2009; 106 (9): 3059 DOI: 10.1073/pnas.0809620106