Ngày 6/3, các nhà khoa học Nga thuộc Trường Đại học tổng hợp Irkutsk cho biết đã chụp được những bức ảnh ''độc nhất vô nhị'' về vụ nổ của một ngôi sao lâu đời nhất cách Trái Đất 12 tỷ năm ánh sáng.
Kính thiên văn quang học lớn nhất thế giới Gran Telescopio đã theo dõi vụ nổ tia gamma của ngôi sao lâu đời nhất. (Ảnh: www.panoramio.com)
Theo các nhà khoa học, Đài thiên văn quỹ đạo Swift đã ghi nhận được sóng bức xạ nhiệt gamma vũ trụ đầu tiên vào ngày 4/3, tiếp đó kính thiên văn robot Master nhận được tín hiệu của đài từ vệ tinh, và 23 giây sau bắt đầu chụp được hình.
Khoảng 8 tiếng sau, kính thiên văn quang học lớn nhất thế giới Gran Telescopio Canarias gắn trên đỉnh núi lửa Muchachos trên đảo La Palma thuộc quần đảo Canary cũng tham gia theo dõi vụ nổ tia gamma trên.
Dựa vào kính thiên văn này, các nhà khoa học đã tính được khoảng cách từ Trái Đất đến ngôi sao phát nổ là 12 tỷ năm ánh sáng.
Ước tính, kích thước ngôi sao nhìn thấy được là 16,5 tức là ít hơn gần 20.000 lần so với ngôi sao có ánh sáng yếu nhất có thể nhìn thấy bằng mắt thường.
Các nhà khoa học nhận định, vụ nổ ngôi sao cổ xưa này xảy ra vào tám tỷ năm trước khi Hệ Mặt Trời và Trái Đất xuất hiện trong vũ trụ.