Chuyên gia Nhật bày cách nâng thu nhập cho nông dân Việt

  •  
  • 863

Áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp và đầu tư công nghệ chế biến để nâng giá trị sản phẩm nông sản.

Là một trong số hơn 20 chuyên gia Nhật Bản về nước tham dự cuộc "Kết nối các nguồn lực thông tin khoa học và công nghệ quốc tế phục vụ thương mại hoá kết quả nghiên cứu giữa trường đại học và doanh nghiệp" do Cục Thông tin khoa học và công nghệ quốc gia tổ chức đầu tháng 5, PGS Trần Đăng Xuân, Trưởng phòng thí nghiệm Sinh lý thực vật và Hóa sinh (Đại học Hiroshima) gợi ý, ở lĩnh vực nông nghiệp cần ứng dụng công nghệ cao để nâng thu nhập cho người dân Việt Nam. Cách này một mặt có thể góp phần tăng trưởng khi các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đang đóng góp khoảng 25% tổng giá trị nông sản, mặt khác sẽ hạn chế tình trạng nông dân bỏ ruộng do thu nhập quá thấp.

Số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho thấy ngày càng nhiều nông dân bỏ hoang ruộng để cỏ dại mọc. Năm 2011 tại các tỉnh Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An đã có hơn 2.000 ha đất ruộng bị người dân bỏ hoang và trả lại chính quyền; số hộ nông dân bỏ ruộng là 6.040 hộ, số hộ nông dân trả ruộng là 2.009 hộ.

Kết quả khảo sát của nhóm nghiên cứu tại Đại học Cần Thơ thực hiện cuối năm 2012 cho thấy, thu nhập bình quân đầu người trung bình là 6,4 triệu đồng, trong khi đó, chi tiêu cho sản xuất được tính trung bình là 3,7 triệu đồng. Nếu so sánh giữa thu nhập với chi phí thì người trồng lúa chỉ còn lại 2 triệu đồng. Mỗi hộ gia đình có thể thu lợi nhuận từ việc trồng lúa với diện tích trung bình là 7,17 nghìn m2 chỉ có 2,7 triệu đồng/vụ. Vì vậy, người trồng lúa phải lấy sức lao động làm lãi. Nếu ước tính một năm sản xuất được 3 vụ thì tổng thu nhập bình quân cả năm của người trồng lúa cũng không tới 10 triệu đồng.

Theo PGS Trần Đăng Xuân, có thể cải thiện tình trạng này bằng cách đưa công nghệ cao vào nông nghiệp. Để làm được, trước hết phải đầu tư công nghệ, khoa học kỹ thuật, sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, sạch, đạt chuẩn khu vực và quốc tế (Viet GAP, hoặc Global GAP). Cần thu hút nhiều hơn doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp này. Sự đầu tư trực tiếp hoặc cổ phần với các doanh nghiệp Việt Nam là con đường nhanh nhất giúp các doanh nghiệp Việt có được vốn và công nghệ, đặc biệt các doanh nghiệp tư nhân.

Ngoài ra cần có sự mở rộng hợp tác trực tiếp trên lĩnh vực nông nghiệp giữa các địa phương của các nước có nền sản xuất nông nghiệp công nghệ cao như Nhật, Hàn Quốc, Israel... với các địa phương của Việt Nam, sẽ giúp cho việc giảm thời gian, chi phí, và nâng cao hiệu quả.

Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để đưa nhanh công nghệ cao ứng dụng tại Việt Nam.
Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp để đưa nhanh công nghệ cao ứng dụng tại Việt Nam.

Năm 2017, đóng góp của nông nghiệp, lâm nghiệp và ngư nghiệp ở Việt Nam vào GDP của cả nước là 15,34%, nhưng dân số trong lĩnh vực này chiếm hơn 40%. Hiện tại, các sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao đã đóng góp khoảng 25% tổng giá trị nông sản cho thấy một cơ hội đáng kể cho sự tăng trưởng, tuy nhiên PGS Xuân cho rằng còn rất ít sản phẩm từ nông nghiệp của Việt Nam đạt tiêu chuẩn quốc tế và chủ yếu xuất nguyên liệu thô, chưa đạt được các sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao, công nghệ chế biến sau thu hoạch, công nghệ còn kém.

"Điều này sẽ càng tạo ra sự chênh lệch giàu nghèo giữa nông thôn và thành  thị, giữa nông dân và các tầng lớp khác, kìm hãm Việt Nam phát triển", ông Xuân nói và nhấn mạnh đầu tư công nghệ cao sẽ giúp cho việc giảm thời gian, chi phí, và nâng cao hiệu quả để nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ở góc độ người dân, chuyên gia cũng gợi ý các nông dân Việt cần liên kết với nhau để giảm sản xuất nhỏ lẻ, thực hiện sản xuất quy mô, và tạo ra các sản phẩm tốt. Khi thực hiện, họ sẽ không có vốn và hạn chế về kĩ thuật. Những khó khăn này cần nhận được hỗ trợ từ các cơ quan nghiên cứu từ trung ương đến địa phương.

Tại Nhật Bản, nông nghiệp chỉ chiếm 1% GDP nhưng có gần 10% dân số Nhật Bản làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp. Vì vậy chính phủ Nhật có sự hỗ trợ lớn, như không hoàn lại, trả chậm tiền vay với chi phí bằng không, có chế độ bảo hiểm nông nghiệp. Mặc dù cách này hiện đang gây ra sự trì trệ lớn với nền sản xuất nông nghiệp của Nhật (giá quá cao, thiếu sự cạnh tranh quốc tế). Tuy nhiên ở thời điểm ban đầu sẽ tạo đà để nông dân gắn bó với công việc của mình hơn và cân bằng thu nhập cho họ.

Chỉ cần đưa được công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp, thông qua việc tư nhân hóa mạnh mẽ, kêu gọi đầu tư hơn nữa vào ngành nông nghiệp, sẽ giúp Việt Nam có sự cạnh tranh lớn trên thị trường quốc tế đối với các sản phẩm nông nghiệp, cũng như tiêu thụ ngay trong thị trường trong nước với yêu cầu càng ngày càng cao. Điều đó sẽ giúp cho bà con nông dân tăng cao thu nhập hơn nữa.

PGS. TS Trần Đăng Xuân là nhà khoa học người Việt đang sinh sống và làm việc tại Nhật Bản. Hiện ông hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu chủ yếu về nhân giống cây trồng, bộ gene, khoa học cỏ dại, sản xuất nông nghiệp bền vững, hóa học hữu cơ, hóa học phân tích, năng lượng sinh khối...

Ông có hơn 110 công trình đăng trên các tạp chí khoa học quốc tế trong danh mục ISI và 130 bài trong danh mục Scopus, với điểm H-index là 24.

Ông là một trong 100 nhà khoa học trẻ của Việt Nam tại nước ngoài tham gia chương trình Đổi mới Sáng tạo do Chính phủ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức vào tháng 8/2018 tại Việt Nam.

Cập nhật: 09/05/2019 Theo VnExpress
  • 863