Một hình ảnh chạm khắc trên tấm đá cổ của Ai Cập có từ 2.050 năm trước cho thấy nữ hoàng Cleopatra ăn mặc như đàn ông.
Phiến đá chỉ là một trong 3 tạo vật còn tồn tại miêu tả Cleopatra như một người đàn ông. Hai vật kia là những tấm bia có cùng niên đại, năm 51 trước Công nguyên - thời kỳ đầu vương triều Cleopatra.
Các nhà nghiên cứu cho rằng tấm đá mới được phát hiện có kích thước 34x25 cm có nguồn gốc từ Tell Moqdam, một thành phố Ai Cập mà người Hy Lạp cổ gọi là Leonton Polis, nghĩa là "Thành phố của Sư Tử".
"Hình khắc cho thấy Cleopatra ăn mặc như một pharaoh với vương miện kép của nam giới đang trao biểu tượng chiến tranh cho con sư tử quỳ trên bệ", Willy Clarysse, người đứng đầu nghiên cứu cho biết. "Phía trên đầu sư tử có chữ tượng hình gọi con vật là 'Osiris the Lion' - có nghĩa là con sư tử được ướp xác biểu tượng cho vị thần Osiris của âm phủ".
Osiris là một vị thần quan trọng trong nền văn hoá Ai Cập. Các vương gia thường cúng tặng vật phẩm cho vị thần này với mong muốn có một cuộc sống ổn định và quyền lực.
Clarysse, nhà Ai Cập học tại Đại học Catholic ở Bỉ, nhận định sự thay đổi giới tính của Cleopatra có thể bắt nguồn từ sự lười nhác của các hoạ sĩ.
"Vào năm 51 trước Công nguyên, Ptolemaios XII, cha của Cleopatra, đang là vua Ai Cập. Khi ông chết, một trong số các bia đá đã được khắc sẵn. Người chạm trổ đã điền tên của vị thủ lĩnh mới lên tấm đá, nhưng lại không thay đổi hình ảnh của pharaoh từ nam sang nữ, bởi nó quá khó hoặc mất công".
Clarysse cũng chỉ ra dấu tích cho thấy đôi chân của Cleopatra đã được khắc lại, điều đó chứng tỏ một ai đó đã định thay đổi lại hình ảnh ban đầu xong rồi lại từ bỏ.
Một nữ hoàng khác của Ai Cập - Hatshepsut, sống vào khoảng thế kỷ 15-16 trước Công nguyên, cũng thường được khắc hoạ với bộ ngực phẳng lỳ, mang trang phục nam giới và bộ râu rậm rạp. Nhiều lịch sử gia tin rằng bà cố tình tạo ra những biểu tượng nam giới này nhằm khẳng định quyền lực của mình và nắm ngôi vua vào thời điểm mà hầu hết phụ nữ không có quyền hành gì.
Clarysse loại bỏ ý kiến rằng thần dân của Cleopatra nhầm lẫn về giới tính của bà. Hình ảnh trên các ngôi đền và đồng tiền thời đó đều miêu tả bà là phụ nữ. "Hơn thế, tên của bà (không giống Hatshepsut) cho thấy Cleopatra là phụ nữ, bởi cả người Hy Lạp và Ai Cập đều kết thúc tên phụ nữ bằng chữ cái a".
Phiến đá Cleopatra hiện thuộc về bảo tàng Đại học Bắc Kinh, Trung Quốc. Một giáo sư tại Đại học Bắc Kinh đã tìm thấy phiến đá trong góc căn phòng lưu trữ của bảo tàng.