Một công ty tư nhân phi lợi nhuận có tên Mars One (ở Hà Lan) đã và đang lên kế hoạch tuyển chọn 4 người để làm một chuyến bay lên sao Hỏa định cư và sẽ không bao giờ trở về.
Số người tham gia tình nguyện bay đã lên tới con số hơn 200.000 nhưng sau nhiều lần tuyển chọn và chắt lọc, chỉ còn có 100 người (50 nam và 50 nữ), và người ta sẽ tiếp tục sàng lọc kỹ càng hơn nữa để chọn ra 4 người sau cùng để bước vào trong phi thuyền và bay đi, mục đích là tìm ra những con người có nhiều khả năng nhất để tồn tại và làm việc trên hành tinh Đỏ.
Danh sách 100 người này bao gồm 39 người đến từ châu Mỹ, 31 người đến từ châu Âu, 16 người châu Á (trong số 16 người châu Á này có 1 người là người Việt Nam), 7 người châu Phi và 7 người thuộc châu Đại Dương. Họ được chọn từ nhiều lứa tuổi và nguồn gốc sắc tộc khác nhau, trẻ nhất là 20 và lớn nhất là 60 tuổi. Sứ mệnh của họ (4 người sau cùng) là bay đến sao Hỏa, thiết lập căn cứ và sau đó sinh sống, làm việc cho đến khi họ chết, tuyệt nhiên không có chuyện bay trở lại Trái Đất.
Nếu chuyến bay thành công thì họ sẽ là những người đầu tiên đặt chân lên sao Hỏa. Tuy nhiên để có tên trong danh sách bay quả thật không dễ vì họ sẽ phải trải qua nhiều bài tập thử thách khác nhau cả về thể chất lẫn tinh thần. Chi tiết các bài tập chưa được tiết lộ nhưng 200.000 người chỉ chọn có 4 thì hiển nhiên nó sẽ rất khắt khe. Ví dụ, ngoài việc phải có thể chất tốt và khỏe mạnh, các phi hành gia tương lai phải chứng tỏ mình có một tinh thần thép và kiên định bởi chuyến đi từ Trái Đất đến sao Hỏa là vô cùng dài, khoảng cách bình quân giữa sao hỏa và Trái Đất là 225.000.000km (tùy vào vị trí hiện tại của hai hành tinh trên quỹ đạo bay xung quanh Mặt Trời, gần nhau nhất là 54,6 triệu và xa nhau nhất là 401 triệu km).
Nếu di chuyển bằng phi thuyền nhanh nhất của NASA là New Horizons (58.536km/h) thì 4 người họ phải mất trung bình 162 ngày để đến được sao Hỏa, tương đương gần 6 tháng trời ngồi chui rúc trong một không gian nhỏ bé của con tàu đang chở họ đi. Trong suốt 6 tháng đó họ phải sống trong tình trạng không trọng lực, suốt ngày phải đối diện với một không gian vô cùng im ắng ngoài vũ trụ, xa quê hương, thời gian dài đằng đẵng, cơ sở vật chất không thoải mái rất dễ khiến cho người ta trở nên mất bình tĩnh. Do đó, các thử thách về mặt tinh thần là rất lớn, bạn chán đời, muốn rời bỏ Trái Đất nhưng chưa chắc bạn đã tồn tại nổi suốt 6 tháng dài của chuyến đi.
Con người chưa bao giờ đặt chân lên sao Hỏa và cũng chưa xây dựng căn cứ nào trên đó cả
Được biết vào năm 2013, Mars One từng mở một chiến dịch gây quỹ trên Indiego nhằm kiếm 400.000 USD làm chi phí cho chuyến bay thử nghiệm không người lái vào năm 2018 (hợp tác với Lockheed Martin và SSTL). Đáng tiếc là họ chỉ gom được có 300.000 USD nhưng công ty này vẫn tiếp tục dự án của họ và cố gắng kiếm đủ tiền trên nhiều phương diện khác nhau. Biết đâu vào lúc đó phía bên công ty tư nhân SpaceX sẽ đạt được những thành tựu mới về tên lửa đẩy của họ và giúp cho 4 người của dự án Mars One bay vào vũ trụ với chi phí rẻ hơn nhiều.
Tuy có nhiều yếu tố tương đồng với Trái Đất nhưng sao Hỏa vẫn là một hành tinh rất khắc nghiệt và hiện nay (có lẽ) không còn sinh vật sống nào trên đó cả.
Mô phỏng căn cứ tương lai của con người trên sao Hỏa
Dự án Mars One nếu thành công sẽ là một bước tiến lớn của nhân loại, giúp con người có thêm một hành tinh để sống và biết đâu sẽ sinh ra một giống loài mới thì sao?
Trong danh sách 100 người được chọn lên sao Hỏa này, có một người Việt Nam được chọn, đó là anh: Vũ Xuân Linh. (Bạn có thể xem thông tin về anh Linh được đăng trên website chính thức của Mars One).