Hàng triệu mảnh đá không gian lao vào bầu khí quyển Trái đất mỗi năm nhưng không phải tất cả trong số đó đủ lớn để chạm tới bề mặt.
Mô phỏng một tảng đá không gian bốc cháy trong bầu khí quyển Trái đất. (Ảnh: Roger Harris)
Những tảng đá không gian đáp xuống mặt đất được gọi là thiên thạch. Cách đây khoảng 66 triệu năm, một thiên thạch khổng lồ ước tính có chiều ngang lên tới 10km đã rơi xuống khu vực ngày nay là bán đảo Yucatán ở México, gây ra sự tuyệt chủng của khủng long. Tuy nhiên, những vụ va chạm như vậy là cực kỳ hiếm. Thay vào đó, phần lớn các tảng đá không gian đều có kích thước nhỏ và bốc cháy hoàn toàn trong khí quyển như những vệt sao băng.
Các nhà khoa học ước tính có hàng triệu mảnh đá không gian bay vào bầu khí quyển Trái đất mỗi năm, nhưng chỉ ít hơn 10.000 trong số đó "sống sót" sau khi ma sát với không khi ở tốc độ cao và cuối cùng đáp xuống mặt đất, sông hồ hoặc đại dương.
Con số này nhỏ hơn nhiều so với Mặt trăng, nơi không có bầu khí quyển. Theo NASA, có khoảng 33.000 thiên thạch với kích thước bằng quả bóng bàn đâm vào vệ tinh tự nhiên của Trái đất mỗi năm. Mặc dù có kích thước nhỏ, mỗi mảnh trong số này tác động lên bề mặt với lực tương đương 3,2kg thuốc nổ. Ngoài ra, còn có khoảng 10 - 1.000 tấn bụi (nhỏ hơn 1 mm) va chạm với Mặt trăng mỗi ngày.
Đá không gian thường là những mảnh vỡ của tiểu hành tinh hoặc sao chổi. Tuy nhiên, một số có thể có nguồn gốc từ các hành tinh hoặc Mặt trăng. Theo Hiệp hội Thiên thạch, hơn 300 mảnh thiên thạch đã biết có nguồn gốc từ sao Hỏa.
Mảnh vỡ sao Hỏa NWA 7533 rơi xuống sa mạc Sahara ở Tây Bắc Phi. (Ảnh: Đại học Copenhagen)
Để ước tính số lượng thiên thạch va vào Trái đất mỗi năm, nhà thiên văn học Gonzalo Tancredi tại Cộng hòa ở Montevideo, Uruguay, đã phân tích dữ liệu do Hiệp hội Thiên thạch thu thập. Từ năm 2007 đến 2018, có 95 báo cáo về thiên thạch rơi xuống Trái đất, tỷ lệ trung bình khoảng 7,9 báo cáo mỗi năm.
Không thể biết chính xác có bao nhiêu thiên thạch rơi xuống đại dương và chìm xuống đáy mà không bị phát hiện. Tuy nhiên, 29% bề mặt hành tinh xanh được bao phủ bởi đất. Tancredi lưu ý rằng các khu vực thành thị, với khoảng 55% dân số sinh sống, chiếm khoảng 0,44% diện tích đất.
Nhà thiên học ước tính tổng số thiên thạch rơi xuống đất liền bằng với số lượng thiên thạch được báo cáo trong các khu vực thành thị chia cho tỷ lệ phần trăm đất đai của Trái đất được bao phủ bởi các khu vực thành thị.
Theo Tancredi, các tảng đá không gian rộng khoảng 10m dự kiến đi vào bầu khí quyển Trái đất cứ sau 6 đến 10 năm. Những tảng đá đủ lớn để tạo ra vụ nổ như sự kiện Tunguska năm 1908 ở Nga xảy ra khoảng 500 năm một lần. Một tác động từ tảng đá rộng khoảng 1km ước tính sẽ xảy ra sau mỗi 300.000 đến 500.000 năm, trong khi một vụ va chạm dữ dội như sự kiện kết thúc kỷ Phấn trắng và xóa sổ khủng long có thể xảy ra một lần trong 100 triệu đến 200 triệu năm.