Cô đơn khiến ta dễ gặp ác mộng

  •  
  • 100

Nghiên cứu mới tại Mỹ cho thấy cảm giác cô đơn không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần và thể chất, mà còn liên quan đến những cơn ác mộng.

Theo trang ScienceAlert, nhóm tác giả Mỹ đã phân tích dữ liệu từ một nghiên cứu trước đó về ảnh hưởng của sự thiếu thốn tình cảm. Dữ liệu từ 827 người trưởng thành tham gia nghiên cứu cho thấy càng cô đơn thì người ta càng thường gặp ác mộng, trong đó căng thẳng (hay stress) đóng vai trò như chất xúc tác.

Những cơn ác mộng có thể tăng cả về tần suất lẫn cường độ khi con người cô đơn
Nghiên cứu mới phát hiện những cơn ác mộng có thể tăng cả về tần suất lẫn cường độ khi con người cô đơn - (Ảnh minh họa: Shutterstock).

Sau đó, nhóm khảo sát các câu hỏi về cảm giác cô đơn, căng thẳng và những cơn ác mộng của 782 người trưởng thành tại Mỹ. Dữ liệu mới cho thấy cảm giác cô đơn ảnh hưởng đến cường độ cũng như tần suất gặp ác mộng.

Dù dữ liệu không chỉ ra mối quan hệ nhân quả trực tiếp giữa sự cô đơn và ác mộng, song nhóm nghiên cứu cho rằng nó có liên quan đến thuyết tiến hóa về sự cô đơn từng được đưa ra trong các nghiên cứu trước đây: Đó là dấu hiệu cảnh báo cơ thể đang thiếu một nguồn lực thiết yếu - sự hỗ trợ của xã hội.

"Mối quan hệ giữa các cá nhân là nhu cầu cốt lõi của con người. Khi nhu cầu về các mối quan hệ xã hội không được đáp ứng, con người sẽ đau khổ về thể chất, tinh thần.

Cũng giống như cảm giác đói hoặc mệt có nghĩa là bạn chưa nạp đủ calo hoặc ngủ đủ giấc, cảm giác cô đơn đã tiến hóa để cảnh báo mọi người khi nhu cầu về các mối quan hệ xã hội của họ không được đáp ứng", ông Colin Hessem, nhà khoa học về truyền thông tại Đại học Oregon (Mỹ), cho biết.

Ở một khía cạnh nào đó, việc tiến hóa để trở nên stress hơn, cảnh giác hơn và hay suy nghĩ thái quá khi chúng ta cô đơn là để thúc đẩy chúng ta tìm kiếm sự đồng hành, bầu bạn. Tuy nhiên việc này cũng khiến cơ thể chúng ta mệt mỏi và dễ gặp ác mộng hơn.

Cô đơn chắc chắn có liên quan chặt chẽ đến giấc ngủ kém và việc thiếu các mối quan hệ xã hội tốt đẹp cũng sẽ luẩn quẩn đâu đó trong giấc ngủ của chúng ta.

"Giấc ngủ để phục hồi đóng vai trò quan trọng trong chức năng nhận thức, điều chỉnh tâm trạng, sự trao đổi chất và nhiều khía cạnh khác của sức khỏe. Đó là lý do vì sao việc tìm hiểu các trạng thái tâm lý gây gián đoạn giấc ngủ lại quan trọng đến vậy, trong đó sự cô đơn là yếu tố chủ chốt", ông Hessem nói.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Journal of Psychology.

Cập nhật: 26/10/2024 Tuổi Trẻ
  • 100