Có một nhóm người nhỏ sở hữu siêu năng lực trí nhớ

  •  
  • 521

Theo các báo cáo cho đến nay, đã xác định được khoảng 56 người sở hữu siêu trí nhớ về bản thân trên khắp thế giới.

Những năm gần đây, hội chứng trí nhớ siêu phàm, còn được gọi HSAM (Highly Superior Autobiographical Memory), tức siêu trí nhớ về bản thân. Toàn bộ chủ đề này mới được giới khoa học dần chú ý sau sự nổi lên của hiện tượng AJ vào năm 2005.

Theo nghiên cứu được công bố năm 2013 của Tiến sĩ Tâm lý học Lawrence Patihis và nhóm nghiên cứu tại trường Đại học California: "Những người có siêu trí nhớ về bản thân (HSAM, hay còn gọi là hội chứng trí nhớ siêu phàm) có thể nhớ một ngày xác định rơi vào thứ mấy trong tuần và chi tiết về những việc xảy ra ngày hôm đó, và cứ như vậy với mọi ngày trong cuộc đời họ kể từ giữa thời thơ ấu. Với những chi tiết có thể xác minh, người sở hữu HSAM có xác suất đúng đến 97%".

Với những chi tiết có thể xác minh, người sở hữu HSAM có xác suất đúng đến 97%.
Với những chi tiết có thể xác minh, người sở hữu HSAM có xác suất đúng đến 97%. (Ảnh minh họa: Leonardo).

Sau khi nghiên cứu về trường hợp của AJ, hơn 200 người khẳng định mình có khả năng tương tự đã liên lạc với nhóm của McGaugh. Cộng đồng khoa học cảm thấy hứng thú vì có lẽ khả năng này phố biến hơn tưởng tượng của họ. Làn sóng những người đăng ký tham gia thí nghiệm mang đến tiềm năng mở ra một thế giới mới của những nghiên cứu đột phá về trí nhớ.

Nhưng cũng như rất nhiều trường hợp trước đó, hết người này đến người khác không đáp ứng được các tiêu chí của hội chứng trí nhớ siêu phàm thực thụ. Đúng là những người đã liên lạc có trí nhớ tốt, nhưng không ai nối bật như AJ.

Ngay khi các nhà nghiên cứu sắp từ bỏ hy vọng, điều kỳ diệu đã đến. Một đối tượng sở hữu HSAM khác xuất hiện: Brad Williams. Rồi lại thêm một người nữa: Rick Baron. Kế đến là Bob Petrella.

Và đến năm 2010, nhóm thậm chí còn chào đón sự gia nhập của một người nổi tiếng, nữ diễn viên Marilu Henner.

Theo các báo cáo cho đến nay, đã xác định được khoảng 56 người sở hữu HSAM trên khắp thế giới.

Đó vẫn là một nhóm nhỏ, nhưng như vậy đã hữu ích và có ý nghĩa hơn rất nhiều so với chỉ một trường hợp duy nhất. Tất nhiên, câu hỏi bật ra trong đầu mọi người khi thấy có cả một nhóm những người phi thường như vậy sẽ là "Làm sao có thể?"

Mặc dù vẫn còn quá sớm để đưa ra một lời giải thích khoa học thuyết phục và có cơ sở vững chắc, nhưng có một số giả thuyết như sau.

Có lẽ trí nhớ cũng như một máy ghi hình, lưu lại mọi thứ chúng ta làm. Và người sở hữu HSAM có thể sử dụng tính năng phát lại tốt hơn chúng ta.

Một tác phẩm tiêu biểu ra mắt năm 1952 với tựa đề Memory Mechanisms (tạm dịch: Các cơ chế ghi nhớ), được viết bởi nhà giải phẫu thần kinh người Mỹ nổi tiếng Wilder Penfield, cho rằng có một vài minh chứng cho luận điểm này. Một trong những đề tài nghiên cứu mà Penfield quan tâm nhất là điều trị cho bệnh nhân động kinh bằng cách cắt qua một số phần trong não bộ.

Trong khi mở sọ não để phẫu thuật, ông dùng dụng cụ dò có điện để kích thích các vùng trong não và yêu cầu bệnh nhân (vẫn còn tỉnh táo) thuật lại những gì họ đang trải nghiệm. Kỹ thuật của ông đã vạch ra rất rõ các vùng vỏ não cảm giác và vận động. Cho đến nay, chúng ta vẫn sử dụng bản đồ vỏ não đó.

Ông nhận thấy khi kích thích một số phần nhất định của não bộ, đặc biệt là thùy thái dương, các bệnh nhân thuật lại những ảo giác phức tạp (thùy thái dương là thành phần lớn của não, nằm phía sau tai, ở cả hai bên). Khi dòng điện truyền dọc hai bán cầu trái và phải ở vùng của thùy thái dương, bệnh nhân nói rằng họ nghe thấy giọng nói của những người thân hay tự nhiên nghe thấy tiếng hát. Dường như vùng này trực tiếp kích thích các ký ức về thính giác.

Giống như nhiều nhà nghiên cứu thời bấy giờ, ông nghi ngờ hồi hải mã đóng vai trò trung gian, cho phép hoặc ngăn chặn chúng ta truy cập những ký ức nhất định từ kho chứa dòng ý thức. Vì thế, ông gọi hồi hải mã là "chìa khóa truy cập" và bàn về nó trong thư trao đổi với Brenda Milner vào tháng 12/1973. Ông khẳng định mình nghĩ ra ý tưởng đó khi đang nghiên cứu về một bệnh nhân bị mất trí nhớ sau phẫu thuật.

Nếu Penfield đúng, mọi thứ chúng ta nhớ đều được lưu trữ ở đâu đó trong não bộ, và có thể giải thích khả năng của các cá nhân HSAM là do họ truy cập thông tin này dễ dàng hơn.

Cập nhật: 24/08/2024 znews
  • 521