Liệu sự sống có tồn tại trên 1 hành tinh có môi trường khắc nghiệt như Sao Hoả?
>>> Tồn tại sự sống ngoài Trái đất?
Tờ DailyMail cho hay một nhóm các nhà khoa học thuộc trường đại học Oregon đã thu thập một số loài vi sinh vật trong một hố dung nham gần miệng núi lửa Newberry trong dãy núi Cascades ở bang Oregon của Mỹ, ở độ cao khoảng 1500m, nơi có môi trường khắc nghiệt tương đương bề mặt Sao Hoả và họ phát hiện thấy các vi sinh vật này vẫn phát triển trong điều kiện thiếu ôxy và không có chất hữu cơ để ăn.
Olympus Mons, núi lửa lớn nhất trên sao Hoả cũng chứa khoáng olivin.
Các vi sinh vật này sống nhờ vào chất sắt có trong một mẩu khoáng vật được tìm thấy tại đây. Đó là khoáng vật olivin, loại khoáng này cũng được tìm thấy trong các mẩu đá của núi lửa trên sao Hoả.
Loại vi sinh vật này là 1 trong những dòng vi sinh vật phổ biến nhất trên trái đất. Amy Smith, nghiên cứu sinh của trường đại học Oregon và cũng là một trong những tác giả của nghiên cứu trên cho biết. Bạn có thể tìm thấy những vi sinh vật cùng họ với chúng trong các hang động, trên da của mình, dưới đáy đại dương hay bất cứ đâu. Điều khác biệt trong trường hợp này là loài vi sinh vật này có những đặc điểm độc đáo giúp nó có thể tồn tại được trong điều kiện như trên Sao Hoả.
Các nhà khoa học đã chứng minh rằng các loại vi sinh vật này có thể thích nghi với những điều kiện sống khắc nghiệt. Trong điều kiện bình thường, nhiệt độ phòng, mức độ ôxy vừa phải, loài vi sinh vật này sẽ tiêu thụ các chất hữu cơ như đường. Nhưng khi các nhà khoa học lấy thức ăn đi, điều chỉnh nhiệt độ phòng gần bằng nhiệt độ đóng băng, giảm thấp lượng ôxy, thì các vi sinh vật này quay sang ăn thức ăn mà chúng có thể dùng được trong hố dung nham. Đó là khoáng Olivin, loại khoáng vật rất phổ biến trong núi lửa trên trái đất cũng như trên Sao Hoả.
Martin Fish, giáo sư của trường đại học Oregon và là 1 trong các tác giả cho biết: Hành vi của loài vi sinh vật này trước đây chưa hề được ghi nhận. Khi lớp đất đá của núi lửa tiếp xúc trực tiếp với không khí thì ôxy trong bầu khí quyển sẽ ôxy hoá sắt có trong chúng trước khi vi sinh vật có thể ăn. Nhưng trong hố dung nham, lớp đất đá bị tuyết bao phủ và vì vậy tránh tiếp xúc trực tiếp với không khí nên sắt không bị oxi hoá.
Giáo sư Fish đã nghiên cứu một thiên thạch có nguồn gốc từ Sao Hoả, chứa các dấu hiệu cho thấy các vi sinh vật này đã từng có mặt trên đó. Và dấu hiệu tương tự cũng được tìm thấy trên các lớp đất đá của hố dung nham trong miệng núi lửa Newberry.
Mặc dù nghiên cứu này không mô phỏng chính xác những gì có thể tìm thấy trên Sao Hoả nhưng nó cho ta thấy được rằng vi sinh vật có thể sống trong những điều kiện tương tự nhau.