Có thể chụp ảnh quá khứ?

  •  
  • 1.918

Chiếc ôtô dừng lại chỗ cửa, rồi sau đó chạy đi. Sau vài ngày người ta chụp tấm ảnh cánh cửa trống rỗng. Và một điều kỳ diệu! Trên nền của cánh cửa hiện lên bóng của chính chiếc xe đó...

Tại một dòng sông bình thường của nước Nga, máy ảnh đã chụp được một cánh rừng nhiệt đới, một cánh rừng cọ đều đặn. Ở đâu ra một cánh rừng nhiệt đới như vậy? 50 triệu năm trước chăng, hay 100 triệu năm?

Tại ngai vàng trống của Nga hoàng ở một cung điện thuộc Saint-Petersburg người ta chụp được bóng của một người đàn ông đang ngồi. Chiếc áo caftan (áo dài cổ kính của đàn ông Nga) thế kỷ XVIII, hình dáng cao ngồng quen thuộc... Nga hoàng Piot đại đế!

Chuyện gì đây? Những đoạn trích trong chuyện hoang đường? Hoàn toàn không.

Hình ảnh người lính trong quá khứ (?).

Hình ảnh người lính trong quá khứ (?).
(Ảnh: CAND)

Từ lâu, con người đã mơ ước “nhìn” vào quá khứ. Còn Genrikh Mikhailovich Xilanov, một nhà địa chất, chuyên gia về những nghiên cứu trong Phòng thí nghiệm ở thành phố Voronhej (Nga), đã làm điều này. Ông sáng chế ra một thiết bị có thể chụp ảnh những sự kiện quá khứ! Xilanov cho rằng ông sử dụng một hiệu ứng vật lý quen thuộc mà ông gọi là “hiện tượng đặc biệt của trí nhớ”. Nhưng về bản chất của hiệu ứng thì ông nói khá dè dặt, còn kỹ thuật “chụp ảnh quá khứ” thì ông nói chưa thể tiết lộ vì những nguyên nhân dễ hiểu...

Theo ý kiến của Xilanov, bất kỳ cấu trúc vật chất nào trong bất kỳ khoảnh khắc tồn tại nào đều để lại dấu vết của mình trên những đường phát điện của các cực năng lượng. Chiếc máy ảnh đặc biệt của ông đã định vị được chính sự phản ánh những dấu vết như vậy.

Hiệu ứng kỳ diệu

Xilanov tình cờ phát hiện ra hiệu ứng kỳ diệu này vào năm 1992 khi thử thành công một thiết bị để chụp ảnh đĩa bay. Nguyên nhân là Xilanov có nhiều năm dẫn đầu nhóm các nhà khoa học nghiên cứu những vật thể bay không xác định (UFO). Khi đó, ông nhìn thấy trên một số tấm ảnh dường như có những dấu vết của những vật thể không tồn tại nằm chồng trên những vật thể nhìn thấy bằng mắt thường. Điều này có vẻ như là ghép ảnh, nhưng thực ra không phải vậy... Nếu suy nghĩ kỹ thì không có gì đáng ngạc nhiên, nhưng hiện thời chúng ta chưa thể nhìn thấy!

Nếu ban đêm chúng ta nhìn lên những vì sao, tức là chúng ta quan sát bức tranh của bầu trời tồn tại hàng ngàn và hàng triệu năm trước, vì ánh sáng từ nhiều vì sao đến được chúng ta rất lâu... Hơn nữa, chúng ta không nhìn vào một vật thể nào đó mà chúng ta chỉ nhìn vào sự đến muộn của nó, nghĩa là dù ánh sáng không đáng kể đi chăng nữa cũng đủ để đi từ vật thể đến mắt chúng ta.

Về phim để chụp những “bức ảnh quá khứ”, Xilanov tiết lộ rằng nó “tinh” hơn mắt người về phạm vi quang phổ tử ngoại và hồng ngoại. Không ít thông tin không đến được với chúng ta có thể phát hiện được trong phạm vi quang phổ tử ngoại. Những chi tiết quan trọng của máy ảnh này là thấu kính và kính ảnh đặc biệt, hay phim, nơi mà thực sự không có lớp gelatin để chụp các sóng tử ngoại đi ngang qua.

Vậy thấu kính này hoạt động như thế nào? Chúng ta đều biết kính cửa sổ không cho tia tử ngoại đi qua, vì vậy ngồi trong nhà không thể tắm nắng xuyên qua các cửa kính thông thường. Để có được làn da rám nắng trong điều kiện ở nhà cần phải có kính thạch anh. Vật kính thông thường của máy ảnh này đóng vai trò của cửa kính thông thường: thứ nhất, chỉ một ít tia tử ngoại ngẫu nhiên xuyên qua những “phim quá khứ” của máy ảnh. Hiểu được điều này, Xilanov đã bắt đầu một công việc tỉ mỉ kỳ lạ. Ông chọn trong cát hạt to những tinh thể thạch anh nhỏ xíu, sau đó nấu chảy chúng ra và rót thành hình thấu kính rất mỏng. Thứ hai, thật lâu và cẩn thận, theo phương pháp của Newton, ông dùng tay mài nhẵn nó. Kết quả của sự lao động miệt mài này là sau một năm “vật kính thời gian” đã làm xong.

Xilanov lắp vật kính vào máy ảnh và chụp những bức ảnh thử nghiệm tại cửa phòng thí nghiệm của mình. Thế là tấm ảnh chiếc xe đã chạy mất từ lâu xuất hiện gây chấn động trong giới khoa học... Điều chỉnh máy ảnh của mình đến “tiêu chuẩn” cần thiết, Xilanov tập hợp những người nhiệt tình và thực hiện chuyến thám hiểm trên bờ sông Khoper, nơi ông ta tiếp tục những thử nghiệm của mình. Một trong những tấm ảnh thành công nhất lúc đó có thể kể đến tấm ảnh mà trên nền của bụi cây hiện ra cái đầu của người lính đội mũ sắt trong quá khứ.

Tại đây nơi dòng Khoper cuộn chảy, chưa bao giờ có rừng nhiệt đới giống như của Ấn Độ hay châu Phi. Cũng chính máy ảnh của Xilanov cho thấy điều đó... Thật thú vị là theo một cách khác, nhà khoa học Kazakhstan, Tiến sĩ khoa học L.X. Pritsker cũng như nhà nghiên cứu ở thành phố Jukovski gần Moskva, A.V. Karavaikin, cũng đạt được những kết quả tương tự. Ông còn có nhiều bức ảnh tương tự như thế. Cần nói thêm rằng Viện công tố Kazakhstan đã giám định tất cả những bức ảnh của ông và có kết luận chính thức về tính xác thực của chúng.

Có thể nói rằng Karavaikin hoàn toàn đến với “hiện tượng đặc biệt của trí nhớ” từ một hướng khác. Sử dụng thiết bị tự tạo, không chỉ về mặt nhiếp ảnh, ông đã kịp nghiên cứu cái gọi là “những dấu vết của UFO” tại nơi chúng hạ cánh, đôi khi gắn kết với những sự dị thường hết sức lý thú. Nhà khoa học này đã chứng minh được rằng thời gian, cũng là một phạm trù vật lý, trong những phạm trù không gian khác nhau, có mật độ khác nhau... và trong những điều kiện nhất định cũng đặc biệt chứa đựng thông tin! Chẳng phải những máy ảnh của Xilanov và Pritsker đã ghi lại những hình ảnh chứa đựng những ký ức của vũ trụ đó sao?

Chừng nào sẽ có rạp chiếu bóng quá khứ?

Thật khó mà tưởng tượng chừng nào sẽ phát triển phương pháp nhiếp ảnh quá khứ. Phạm vi áp dụng rất lớn - từ việc sử dụng “nhiếp ảnh thời gian” của các nhà tội phạm học để điều tra tội phạm cho đến việc khôi phục các dân tộc quá khứ xa xưa, những nền văn minh, những thời kỳ tồn tại sơ khai của trái đất mà các nhà cổ sinh vật học chưa làm được...

Còn theo sau “nhiếp ảnh quá khứ” sẽ là “điện ảnh quá khứ” có cả âm thanh? Sẽ có một cuộc cách mạng khoa học làm thay đổi cả cuộc sống lẫn tư duy của toàn nhân loại (?). Và khi xét đến những nhịp điệu tiến bộ hiện đại thì việc chờ đợi điều này hoàn toàn không lâu nữa.

Phạm Phú Tân

Theo CAND.com.vn, Vòng quanh thế giới
  • 1.918