Niên đại của cổ vật có thể bị tính sai tới hàng nghìn năm nếu chân của gia súc giẫm lên chúng.
Chân của gia súc có thể khiến cổ vật dưới đất trồi lên hoặc lún xuống sâu hơn. (Ảnh: Internet).
Các nhà khảo cổ thường tính tuổi hiện vật từ thời Đồ Đá dựa theo độ sâu mà cổ vật được tìm thấy, tức là độ sâu càng lớn thì tuổi của hiện vật càng cao. Giới khoa học áp dụng nhiều cách khác để tính niên đại cổ vật, song nhiều phương pháp trong số đó phụ thuộc vào những yếu tố mà người ta không tìm thấy trong đá, như carbon.
Metin Eren, một nhà khảo cổ của Đại học Southern Methodist tại Mỹ, nói rằng các chuyên gia chỉ có thể tính niên đại cổ vật bằng phương pháp phóng xạ carbon đối với những vật chất hữu cơ liên quan tới cổ vật. Chẳng hạn, nếu cổ vật hay hóa thạch nằm cạnh một cành cây, họ sẽ tính tuổi cành cây rồi cho rằng cổ vật cũng có cùng niên đại. Như vậy, nếu không tìm thấy chất hữu cơ bên cạnh hoặc bên trong hiện vật, người ta chỉ có thể tính toán tuổi của chúng dựa theo độ sâu dưới đất.
Từ lâu các nhà khảo cổ biết rằng vị trí cổ vật có thể bị xáo trộn nếu động vật bước vào khu vực chứa cổ vật, ngay cả khi đất ở khu vực đó rất khô và cứng. National Geographic cho biết, trong một thử nghiệm gần đây, Eren và các đồng nghiệp chôn vài hiện vật bằng đá xuống một bãi lầy trong thung lũng Sông Jurreru ở Ấn Độ rồi yêu cầu những người chăn thả gia súc ở địa phương cho trâu và dê đi lại trong bãi. Sau một thời gian, khi bãi lầy trở nên khô họ quay lại hiện trường để đào hiện vật.
Nhóm chuyên gia nhận thấy một số hiện vật bị đẩy xuống thêm 21 cm. Với độ sâu mới, niên đại của chúng có thể tăng thêm hàng nghìn năm. Ngược lại, một số vật lại bị đẩy lên vị trí cao hơn khiến niên đại của chúng giảm.
Theo lập luận của Eren, nếu chân của gia súc đặt lên phía trên cổ vật, lực giẫm khiến nó lún xuống. Nhưng trong trường hợp chân gia súc đặt bên cạnh hiện vật, lực giẫm khiến đất bên dưới chân lún xuống và đẩy hiện vật lên trên.