Cỗ xe bánh xích hơn 50 năm tuổi được tân trang và gia cố để vận chuyển tên lửa SLS của NASA qua quãng đường 7km tới bệ phóng.
Khi tên lửa khổng lồ SLS của Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) thực hiện phi vụ đầu tiên, nó sẽ được đưa tới bệ phóng bởi một trong những phương tiện lớn nhất hành tinh. Việc điều khiển cỗ xe đòi hỏi mức độ tập trung cao, theo BBC.
Trong hai năm tới, NASA lên kế hoạch phóng tên lửa Hệ thống Phóng Vũ trụ (SLS) trong chuyến bay không người lái 384.400km quanh Mặt Trăng. Với dự định xây trạm vũ trụ, căn cứ trên Mặt Trăng và phi vụ sao Hỏa, tương lai của chương trình phi hành gia phụ thuộc vào thành công của chuyến bay này.
Dù SLS là tên lửa hoàn toàn mới, giàn phóng cao 98m trị giá hàng tỷ USD sẽ bắt đầu hành trình tại Trung tâm Vũ trụ Kennedy ở Florida trên một phương tiện hơn 50 năm tuổi. Đội ngũ phụ trách hộ tống tên lửa vượt qua hành trình 7km tới bệ phóng sẽ chịu áp lực lớn.
"Chúng tôi có cảm giác tràn đầy tự hào khi gánh chương trình vũ trụ của Mỹ trên lưng", Bob Myers, một thành viên trong đội điều khiển hai cỗ xe bánh xích đồ sộ của NASA, chia sẻ. "Chúng tôi chỉ có một tên lửa, một lần phóng và chúng tôi không muốn làm hỏng lần phóng đó".
Xe bánh xích được chế tạo năm 1965 để vận chuyển tên lửa Saturn 5 chở phi hành gia lên Mặt Trăng và trải qua chỉnh sửa vào thập niên 1970 để chở tàu vũ trụ con thoi. Hiện tại, một trong hai cỗ xe đã được tân trang và gia cố nhằm phục vụ tên lửa SLS. Dù có một số nâng cấp, thiết kế cơ bản của cỗ xe dài 40 m, cao 35 m và nặng 2.700 tấn vẫn giữ nguyên.
"Đôi khi chúng tôi thấy tự hào vì xe bánh xích được chế tạo bằng thước lôga, không phải máy vi tính. Hai cỗ xe được sản xuất tốt hơn nhiều phương tiện ngày nay và đáng tin cậy hơn", Myers nói.
Những thông số kỹ thuật của cỗ xe rất ấn tượng. Xe bánh xích hoạt động nhờ hai động cơ diesel giúp chạy máy phát cung cấp điện cho 16 môtơ kéo. Mỗi góc có hai bánh xích với 57 mắt xích. Một hệ thống cảm biến và đòn bẩy giữa cho giá đỡ trên thân xe và tên lửa đặt bên trên luôn cân bằng trong suốt hành trình dọc con đường sỏi đá và leo lên dốc đến bệ phóng. Lộ trình từ cơ sở lắp ráp cũng bao gồm nhiều khúc cua, có nghĩa bánh xích phải chuyển hướng.
"Chúng tôi có đội ngũ nhà thầu dọn đường mỗi lần cỗ xe sẵn sàng lăn bánh", John Giles, quản lý dự án xe bánh xích, cho biết. "Khi cỗ xe di chuyển, nó nghiến lên mặt đường, khiến sỏi đá vỡ vụn và bắn tứ tung".
Cỗ xe được kiểm soát từ khoang lái nhô ra ở đầu và đuôi xe. Khi Myers lần đầu tiên cầm lái năm 1982 để chở tàu con thoi tới bệ phóng, ông thú nhận đó là một trải nghiệm vô cùng căng thẳng. "Tôi khá lo lắng, khi bạn vận chuyển tên lửa, có cảm nhận rõ ràng về sức mạnh. Việc đó không giống như lái một chiếc xe Volkswagen", Myers nói.
"Lần đầu cầm lái rất đáng sợ và nếu có sự cố, chúng tôi sẽ không muốn nhắc tới nó trong thời gian rất dài. Cần có thời gian để làm quen với áp lực và sự căng thẳng", Giles chia sẻ.
Xe kéo bánh xích của NASA là một trong những phương tiện lớn nhất hành tinh. (Ảnh: NASA).
Dù lái xe được hỗ trợ bởi đội ngũ nhân viên quan sát sử dụng bộ đàm đi dọc đường để giám sát tiến trình di chuyển của xe bánh xích, việc điều khiển có nhiều điểm tương tự lái xe. Lái xe sử dụng vô lăng nhỏ có đường kính 15cm, đồng hồ hiển thị tốc độ và chân phanh. Tất cả mệnh lệnh từ bảng điều khiển tương đối đơn giản được nhập vào hệ thống máy tính mới nâng cấp để đảm bảo bơm thủy lực vận hành trơn tru, giúp kích hoạt các bộ phận cơ khí từ những năm 1960.
"Hệ thống điều khiển tương đối đơn giản nhưng có mọi thứ bạn cần. Có nhiều khúc cua và nhiều chỗ cần giảm tốc trên hành trình nhưng đó là vấn đề về kinh nghiệm và các nhân viên quan sát sẽ giúp bạn vận hành cỗ xe", Myers giải thích.
Vận chuyển tên lửa không phải việc có thể thực hiện trong thời gian ngắn. Đội của Myers cần ít nhất 7 tiếng để hoàn thành hành trình tới bệ phóng. Dọc đường đi, cứ hai tiếng một lần lái xe lại đổi ca nhưng xe bánh xích vẫn di chuyển liên tục.
"Chúng tôi không dừng lại cho tới khi lên trên bệ phóng và dỡ tên lửa xuống. Chúng tôi không muốn gặp thời tiết xấu và đó là lý do tại sao chúng tôi cố gắng hoàn thành công việc nhanh và an toàn hết mức có thể", Myers nói.
Việc cỗ xe hàng nghìn tấn có thể chạy ở tốc độ 1,6km/h là một trong những thành tựu lớn nhất của các kỹ sư chế tạo. NASA hy vọng hai xe bánh xích có thể vận hành ít nhất ba thập kỷ nữa. Sau lần tân trang mới nhất, công tác thử nghiệm đang được tiến hành cho lần phóng tên lửa SLS đầu tiên. Trước khi vận chuyển tên lửa mới, cỗ xe sẽ thử nghiệm chở dầm bê tông có khối lượng tương đương.