Con người cô đơn nhất ở tuổi nào?

  •   52
  • 3.467

Các nhà nghiên cứu chỉ ra cuối tuổi 20, giữa tuổi 50 và cuối tuổi 80 là ba khoảng thời gian con người cô đơn nhất.

Con người ngày càng trở nên cô đơn. Tiến sĩ Vivek Murthy, cựu tổng y sĩ Mỹ nhận định nỗi cô đơn có thể rút ngắn tuổi thọ tương tự việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày.

Chia sẻ với CNN, tiến sĩ Dilip Jeste, giáo sư tâm thần học và khoa học thần kinh ở Đại học California, San Diego (Mỹ) cho biết cô đơn không có nghĩa là cô độc, không bạn bè: "Cô đơn được định nghĩa là nỗi đau khổ chủ quan. Nó thể hiện sự khác biệt giữa các mối quan hệ xã hội bạn muốn và các mối quan hệ xã hội bạn có".

Một vài công trình chỉ ra nỗi cô đơn thường xuất hiện ở người già, số khác kết luận cô đơn phổ biến hơn ở giới trẻ. Để đi tìm câu trả lời chính xác cho vấn đề này, tiến sĩ Jeste cùng đồng nghiệp đã thực hiện một cuộc khảo sát trên 340 người dân ở hạt San Diego tuổi từ 27 đến 101. Kết quả cho thấy các thời điểm con người cảm thấy cô đơn nhất là cuối tuổi 20, giữa tuổi 50 và cuối tuổi 80.

Nỗi cô đơn có thể rút ngắn tuổi thọ tương tự việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày.
Nỗi cô đơn có thể rút ngắn tuổi thọ tương tự việc hút 15 điếu thuốc mỗi ngày. (Ảnh: amicitia).

Nghiên cứu trên không chỉ ra nguyên nhân dẫn đến cô đơn ở từng độ tuổi. Theo suy luận của tiến sĩ Jeste, cuối 20 là thời điểm con người phải đưa ra nhiều quyết định quan trọng, căng thẳng. Hơn nữa, chúng ta thường tự so sánh với bạn đồng lứa, tin rằng họ làm tốt hơn mình rồi tự trách bản thân.

Giữa tuổi 50 cũng là một cuộc khủng hoảng. Lúc này, sức khỏe bắt đầu đi xuống. Không ít người còn phát hiện mình bị tiểu đường hoặc bệnh tim. Chưa kể, chúng ta sẽ chứng kiến thân nhân, bạn bè yếu dần đi và nhận ra cuộc đời không phải mãi mãi.

Đến cuối tuổi 80, mọi thứ càng tệ hơn. "Cùng với các vấn đề sức khỏe, bạn có thể đối mặt với khó khăn tài chính cũng như sự ra đi của vợ hoặc chồng", tiến sĩ Jeste nói.

76% tình nguyện viên tham gia nghiên cứu tự nhận bản thân cô đơn từ mức trung bình đến nghiêm trọng. "Chúng tôi nghĩ rằng số người như vậy chỉ chiếm một phần ba", tiến sĩ Jeste chia sẻ. Tuy vậy, không có sự khác biệt về mức độ cô đơn giữa đàn ông và phụ nữ.

Như các nghiên cứu trước đây, công trình của tiến sĩ Jeste cùng cộng sự chỉ ra cô đơn đi liền với sự suy giảm về sức khỏe thể chất và tinh thần. Ngoài ra, nhóm tác giả phát hiện thêm mối quan hệ nghịch đảo giữa cô đơn và trí tuệ.

"Người thông minh không cảm thấy cô đơn và ngược lại", tiến sĩ Jeste lý giải. Trí tuệ ở đây bao gồm sáu khía cạnh: Kiến thức chung về cuộc sống; kiểm soát cảm xúc; đồng cảm, từ bi, vị tha và ý thức về công bằng; cái nhìn sâu sắc; chấp nhận các giá trị khác nhau và sự quyết đoán.

Từ mối quan hệ giữa cô đơn và trí tuệ, các nhà nghiên cứu kỳ vọng con người có thể đẩy lùi trạng thái cô đơn bằng việc rèn luyện sáu khía cạnh kể trên.

"Chúng ta cần nhận ra cô đơn là một vấn đề nghiêm trọng", tiến sĩ Jeste nói. "Cô đơn thật đáng buồn nhưng chúng ta có thể kiểm soát nhiều thứ hơn bạn nghĩ".

Cập nhật: 21/12/2018 Theo VNE
  • 52
  • 3.467