Con người đi thành vòng tròn khi không có vật chỉ dẫn phương hướng

  •  
  • 2.339

Khi rơi vào những khu vực xa lạ và không có gì chỉ dẫn phương hướng, dù con người có cố gắng đi theo đường thẳng nhưng rút cục hành trình họ đi hoá ra lại là một vòng tròn. Đó là nội dung một báo cáo đăng tải trực tuyến vào ngày 20 tháng 8 vừa qua trên Current Biology. Quan điểm này được chấp nhận khá rộng rãi. Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào minh chứng cho điều này.

Jan Souman đến từ Viện điều khiển học sinh học Max Planck Đức cho biết: “Chuyện những người bị lạc đi thành những vòng tròn luẩn quẩn là có thực. Khi không có gì định hướng phía trước như một ngọn tháp hay một ngọn núi hay mặt trăng, mặt trời, con người không thể đi theo hướng thẳng.”

Chẳng có một quy tắc nào trong những vòng luẩn quẩn mà ta vô thức đi vào, các nhà nghiên cứu cho biết. Một người có thể rẽ sang trái rồi quẹo sang phải trước khi trở về đúng nơi mà họ xuất phát. Thực tế này bác bỏ ý kiến cho rằng con người đi thành vòng tròn là do cơ thể có sự thiên lệch về một hướng; ví dụ chân thuận và chân không thuận, hay chiều dài hai chân có sự chênh lệch. Souman nói rằng việc đi lòng vòng xuất hiện ngẫu nhiên dù trong đầu người ta nghĩ rẳng mình cần đi thẳng về phía trước.

Thử nghiệm được tiến hành trong hai môi trường rừng và sa mạc. Những người tham gia được yêu cầu đi càng thẳng càng tốt theo một hướng nhất định. Hành trình của họ được ghi lại thông qua hệ thống định vị toàn cầu GPS. Sáu người đi trong một khu rừng thưa, rộng trong vài giờ đồng hồ - bốn người đi vào một ngày nhiều mây, không có mặt trời. Kết quả là cả bốn người này đều đi thành vòng tròn, trong đó có ba người liên tục trở về những nơi đã đi qua mà không hề hay biết. Khi mặt trời hiện ra khỏi mây, hai người khác hầu như đi theo hướng thẳng một cách hoàn hảo, không kể 15 phút đầu tiên khi mặt trời bị mây che kín.

Khi rơi vào những khu vực xa lạ và không có gì chỉ dẫn phương hướng, dù con người có cố gắng đi theo đường thẳng nhưng rút cục hành trình họ đi hoá ra lại là một vòng tròn. (Ảnh: iStockphoto/David Ciemny)

Ba người khác tham gia thử nghiệm đi vài giờ trên sa mạc Sahara ở Nam Tunisia. Hai người trong số họ đi trệch khỏi hướng được yêu cầu tuy nhiên không phải là đi vòng tròn. Người thứ ba đi vào ban đêm, dưới ánh trăng tròn. Chỉ khi mặt trăng biến mất sau những đám mây, người này mới đi lệch xa so với hướng đang đi, vòng về khu vực đã xuất phát.

Ở cuộc thử nghiệm khác, người ta bịt mắt những người tham gia. Kết quả thật đáng ngạc nhiên, những người này đi thành những vòng tròn rất nhỏ và không theo một phương hướng nhất định nào. Từ kết quả này, các nhà nghiên cứu rút ra rằng nguyên nhân là do “sự nhiễu âm” tích luỹ trong hệ cảm giác vận động của cơ thể. Nếu không có nhân tố bên ngoài để chỉ dẫn phương hướng, tác động lên giác quan của cơ thể về hướng thẳng phía trước, “sự nhiễu âm” này có thể khiến người ta đi thành vòng tròn.

Nhóm nghiên cứu của Souman dự định nghiên cứu xu hướng này trong những điều kiện có sự kiểm soát. Ví dụ, họ tạo ra một khu rừng thực tế ảo (virtual-reality forest) để người tham gia có thể đi theo bất kì một hướng nào họ chọn. Những thử nghiệm kiểu này cho phép các nhà nghiên cứu loại trừ các nhân tố ảnh hưởng như mặt trời, cột mốc … và tìm hiểu vai trò của các nhân tố này trong việc người tham gia đi thẳng hay đi lòng vòng.

Nghiên cứu này có sự tham gia của Jan L. Souman, Manish N. Sreenivasa, Marc O. Ernst, và Ilja Frissen đến từ Viện điều khiển học sinh học Max Planck, Tubingen, Đức.

G2V Star (Theo ScienceDaily)
  • 2.339