Con người sinh ra đã yêu cái đẹp

  •  
  • 2.576

Nghệ thuật đẹp vì chúng ta được dạy như vậy, hay khái niệm cái đẹp đã có sẵn ở trong não chúng ta? Các nhà nghiên cứu đã cho thấy con người đánh giá cái đẹp dựa trên những tiêu chuẩn được lập trình sẵn trong đầu.

Nhóm nhà nghiên cứu tại Italy đã cho các tình nguyện viên xem những bức ảnh gốc và bị biến đổi của các bức tượng điêu khắc thời Phục Hưng. Họ chọn ra 14 người không có kiến thức gì về nghệ thuật để xem yếu tố sinh học có vai trò nào trong việc thưởng thức cái đẹp.

Sự cân đối của các bức tượng đã phản ánh tỷ lệ vàng, một con số toán học được biết từ thời Hy Lạp cổ đại và luôn được các họa sĩ Phục hưng gắn liền với vẻ đẹp lý tưởng. Trong tự nhiên, tỷ lệ vàng có thể thấy trong hình dáng của vỏ ốc anh vũ, hay các hạt xoắn ốc trong dâu tây. Nó cũng miêu tả cơn lốc, dải ngân hà hay mô hình bay của một con chim ưng săn mồi.

Jessica Simpson được coi là có khuôn mặt gần như khớp hoàn hảo với tỷ lệ vàng. (Ảnh: Cramscience)

Cụ thể, tỷ lệ vàng tương đương với 1,618. Trong nghệ thuật, tỷ lệ vàng được thấy ở công trình Parthenon ở Athens, Kim tự tháp Giza và bức họa Mona Lisa. Kết quả cho thấy các bức ảnh gốc kích hoạt mạnh mẽ vùng não (trong đó có thuỳ insula) liên quan tới cảm xúc, còn những hình ảnh bị bóp méo thì không.

"Chúng tôi ngạc nhiên khi thấy chỉ một chỉnh sửa rất nhỏ trong các bức hình cũng dẫn tới sự thay đổi lớn trong hoạt động não", nhà nghiên cứu Giacomo Rizzolatti tại Đại học Parma, Italy, cho biết.

Bên cạnh đó, các nhà nghiên cứu cũng yêu cầu người tham gia đánh giá vẻ đẹp của từng tác phẩm. Những hình ảnh được cho là đẹp đều kích hoạt vùng não hạch hạnh phải, và đó thường là những bức ảnh gốc thay vì ảnh bị sửa đổi.

Kết quả chứng tỏ sự cảm nhận cái đẹp là dựa trên những khái niệm sẵn có trong não nằm ở thuỳ insula, và tiếp đến kích thích vùng hạch hạnh liên quan đến cảm xúc.

"Tuy nhiên, nghệ thuật thời Phục hưng chỉ được coi là đẹp trong nền văn hóa phương Tây. Chúng ta cần phải làm thí nghiệm trên các nền văn hóa khác để xem những tiêu chuẩn này có mang tính toàn cầu hay chỉ gắn liền với từng khu vực", nhà nghiên cứu Cinzia Di Dio tại Đại học Parma nhận định.

M.T.

Theo LiveScience, Vnexpress
  • 2.576