Công bố ảnh chụp khí quyển Mặt Trời từ khoảng cách gần nhất

  •   3,73
  • 2.721

Tàu thăm dò của NASA chụp lại vành nhật hoa, hay lớp khí quyển ngoài của Mặt Trời, từ cách xa 27,2 triệu km.

Tàu thăm dò Parker của NASA lập kỷ lục vật thể nhân tạo tới gần Mặt Trời nhất và thu được hình ảnh ấn tượng về khí quyển của ngôi sao này hôm 8/11, theo Fox News. Nổi bật trong ảnh là cột sáng vành nhật hoa và một đốm trắng nhỏ gần chính giữa. Đốm trắng này chính là sao Mộc.

Một góc vành nhật hoa, hay lớp khí quyển ngoài của Mặt Trời, do tàu Parker ghi lại.
Một góc vành nhật hoa, hay lớp khí quyển ngoài của Mặt Trời, do tàu Parker ghi lại. (Ảnh: NASA).

Parker sử dụng thiết bị chụp đặc biệt WISPR để chụp ảnh ở vị trí cách bề mặt Mặt Trời 27,2 triệu km. Khi gửi dữ liệu về trong chuyến tiếp cận Mặt Trời đầu tiên, con tàu cũng phá kỷ lục vật thể nhân tạo nhanh nhất di chuyển ngoài không gian.

Tại Washington D.C, ngày 12/12, các nhà khoa học tại Hiệp hội Địa Vật lý Mỹ (AGU) đã công bố và thảo luận về dữ liệu mới. "Những gì chúng ta đang quan sát là hoàn toàn mới, chưa ai được nhìn thấy chúng trước đây", Nour Raouafi, nhà vật lý chuyên nghiên cứu Mặt Trời, chuyên gia tại Phòng thí nghiệm Vật lý ứng dụng thuộc Đại học Johns Hopkins, cho biết.

Tàu thăm dò Parker được phóng lên không gian ngày 12/8 và sẽ thực hiện 24 chuyến tiếp cận Mặt Trời trong 7 năm. Một trong những mục tiêu của nó là giúp giải đáp bí ẩn về vành nhật hoa, tìm hiểu lý do nơi này nóng gấp khoảng 300 lần bề mặt Mặt Trời. Lớp khí quyển ngoài của ngôi sao này có thể đạt tới hàng triệu độ C, trong khi bề mặt hoặc quang quyển chỉ khoảng 6.000 độ C. Giới khoa học vẫn chưa hoàn toàn hiểu rõ cơ chế khiến khu vực này nóng như vậy.

"Chúng ta cần tiến vào đây để có thể lấy mẫu plasma mới, lấy mẫu vật chất mới hình thành, và thấy được những quá trình hay hiện tượng vật lý đang diễn ra", Nicola Fox, chuyên gia tại NASA, giải thích. "Gần như chắc chắn chúng tôi sẽ có những phát hiện mới", Raouafi nói thêm.

Cập nhật: 14/12/2018 Theo VNE
  • 3,73
  • 2.721