Công bố bản đồ đầu tiên về địa chất trên vệ tinh Titan của sao Thổ

  •  
  • 1.077

Bản đồ cho thấy vệ tinh Titan có rất nhiều đồng bằng và đụn gò, gồm các chất hữu cơ đã đóng băng và nhiều hồ chứa methane dạng lỏng.

Ngày 19/10, các nhà khoa học đã công bố bản đồ địa chất đầu tiên trên vệ tinh Titan của Sao Thổ, với nhiều đồng bằng và đụn gò gồm các chất hữu cơ đã đóng băng và nhiều hồ chứa methane dạng lỏng, làm sáng tỏ một thế giới mới lạ được xem là một ứng cử viên "sáng giá" để nghiên cứu sự sống ngoài Trái Đất.

Với đường kính 3.200 dặm (5.150km), Titan là vệ tinh lớn thứ hai trong hệ Mặt Trời, sau vệ tinh Ganymede của sao Mộc, và lớn hơn cả sao Thủy.

Titan cũng là vệ tinh duy nhất được biết có một khí quyển đặc và là vật thể duy nhất, trừ Trái Đất, có bằng chứng rõ ràng về các vật thể nước bề mặt ổn định.

Các vật chất hữu cơ - có thành phần carbon vốn đặc biệt quan trọng để sinh vật sống phát triển - đóng một vai trò hàng đầu trên Titan.

Hình ảnh sao Thổ và vệ tinh Titan do tàu vũ trụ Cassini của NASA chụp ngày 31/8/2012.
Hình ảnh sao Thổ và vệ tinh Titan do tàu vũ trụ Cassini của NASA chụp ngày 31/8/2012. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Nhà địa chất hành tinh Rosaly Lopes, thuộc Phòng thí nghiệm Jet Propulsion của NASA, có trụ sở ở California cho biết: "Các chất hữu cơ rất quan trọng đối với sự sống trên Titan, mà giới khoa học chúng tôi cho rằng có thể chứa cả đại dương nước dạng lỏng bên dưới lớp mặt đóng băng cứng".

Theo các nhà khoa học, chất hữu cơ có thể thấm vào đại dương nước lỏng và tạo ra dưỡng chất cần thiết cho sự sống, nếu nó tồn tại ở Titan.

Trên Trái Đất, nước rơi xuống từ các đám mây và hòa vào các dòng sông, hồ và chảy ra các đại dương.

Trên Titan, các đám mây tạo ra các loại hydrocarbon như methane và ethane - vốn là các loại khí trên Trái Đất - dưới dạng lỏng do nhiệt độ quá lạnh của vệ tinh này.

Mưa rơi ở khắp Titan, nhưng các khu vực xích đạo khô hơn các cực.

Các vùng đồng bằng (chiếm khoảng 65% diện tích bề mặt Titan) và các đụn, gò (chiếm 17%) tạo ra những mảng methane đóng băng hoặc những mảng hydrocarbon khác có rất nhiều ở độ cao trung bình và khu vực xích đạo.

Các khu vực trung du và miền núi, được cho là những phần cứng của nước đóng băng, chiếm 14% bề mặt Titan.

Bản đồ địa chất này được công bố trên nhật báo Natura Astronomy, dựa trên các dữ liệu radar, hồng ngoại và các dữ liệu khác do tàu không gian Cassini của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) thu thập.

Tàu này đã tiến hành nghiên cứu sao Thổ và các vệ tinh của nó từ năm 2004-2017. Bản đồ đã được lập ra 7 năm trước khi NASA dự định phóng tàu vũ trụ Dragonfly để đưa một tàu đổ bộ di động lên nghiên cứu các thành phần hóa học trên Titan và khả năng sự sống.

Theo kế hoạch, Dragonfly bắt đầu sứ mệnh nghiên cứu Titan vào năm 2034.

Cập nhật: 20/11/2019 Theo Vietnam+
  • 1.077